Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch để chuẩn bị cho hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để không bị thua ngay trên “sân nhà,” lao động ngành du lịch Việt Nam phải nỗ lực trang bị kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.
Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch để chuẩn bị cho hội nhập ảnh 1Hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu với du khách quốc tế. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN.

Nếu lao động trong ngành du lịch Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết thì có thể sẽ thua ngay trên sân nhà. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành du lịch.


Nhiều cơ hội và không ít thách thức

 

Theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ngành du lịch, chứng chỉ lao động du lịch của một quốc gia phải được thừa nhận thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN. Việt Nam có Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (gọi tắt là VTOS) đáp ứng được các tiêu chuẩn nghề du lịch của ASEAN.

Khi có được chứng chỉ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam, lao động Việt Nam được công nhận có đủ tiêu chuẩn dịch chuyển tự do trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự công nhận về văn bằng, để có thể được nhận vào làm việc ở các công ty du lịch nước ngoài, lao động du lịch Việt Nam vẫn cần thêm nhiều kỹ năng khác.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam có mức tiêu chuẩn cao hơn so với tiêu chuẩn chung của ASEAN. Điều đó có nghĩa sinh viên tốt nghiệp các trường đang áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề này thì có cơ hội làm việc ở các nước trong khu vực thậm chí là các nước châu Âu.

Thực tế trong những năm qua, số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hoặc làm cho các tập đoàn du lịch quốc tế tại Việt Nam ngày càng tăng.

Theo ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, những năm gần đây chúng ta đã đào tạo được đội ngũ lễ tân khách sạn phục vụ cho các tàu du lịch quốc tế năm sao từ 1.000-2.000 khách. Trên các con tàu này có nhiều nhân viên cao cấp là người Việt Nam.

Bên cạnh đó, số nhân viên là người Việt Nam làm ở các bộ phận lễ tân, quản trị khách sạn ở các khách sạn năm sao do các tập đoàn quốc tế quản lý ngày càng nhiều. Những nhân viên này nhận được mức lương cao gấp 2-3 lần so với làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong nước.

Rõ ràng, Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch mang lại rất nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Nếu đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, lao động Việt Nam có nhiều cơ hội vươn ra môi trường lao động quốc tế với mức lương và vị trí việc làm xứng đáng.

Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch thất nghiệp hoặc làm trái nghề ngày càng tăng, trong khi các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn trong tình trạng “khát” nhân lực làm được việc.

Sở dĩ như vậy vì lao động Việt Nam thiếu tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, làm việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật lao động kém, thái độ phục vụ chưa chu đáo. Đặc biệt, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc của lao động Việt Nam còn rất hạn chế (lao động sử dụng được ngoại ngữ chỉ chiếm khoảng 57%).

Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) nhận định, trong thị trường lao động quốc tế, để có đủ năng lực cạnh tranh bên cạnh kỹ năng chuyên môn, người lao động cần thêm nhiều kỹ năng khác đặc thù của ngành du lịch. Lao động du lịch ở các nước ASEAN như Philippines, Malaysia… rất dồi dào và có lợi thế về tiếng Anh so với lao động Việt Nam.

Họ đang sẵn sàng chờ đến ngày Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau có hiệu lực để “tràn” qua nước khác làm việc, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để không bị thua ngay trên “sân nhà” lao động ngành du lịch phải nỗ lực trang bị kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.

Chuẩn hóa từ giáo viên đến chương trình đào tạo

So với những ngành nghề khác, ngành du lịch mới phát triển trong một số năm gần đây nên không phải cơ sở đào tạo nào cũng có đội ngũ giáo viên có trình độ và chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cải tiến chương trình đào tạo đang là đòi hỏi cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ngành du lịch.

Hiện nay, cả nước có hơn 360 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo ngành du lịch các cấp từ lao động bán lành nghề cho đến sau đại học. Tuy nhiên,  đội ngũ giảng viên trong ngành du lịch không phát triển kịp cùng với sự gia tăng của các cơ sở đào tạo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các cơ sở đào tạo du lịch ở các tỉnh phía Nam có rất nhiều giáo viên được thuyên chuyển từ các ngành nghề khác sang công tác trong bộ môn du lịch.

Hơn nữa, do áp lực về nhu cầu số lượng nên nhiều trường đã phải tăng quy mô đào tạo từ đó phải tăng đội ngũ giáo viên khiến chất lượng đội ngũ giáo viên cũng không cao, không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa qua Tổng cục Dạy nghề đã lựa chọn khoảng 600 giáo viên, trong đó có giáo viên ngành du lịch sang Australia đào tạo. Đây là bước tiến mới trong công tác đào tạo, dạy nghề du lịch tại Việt Nam.

“Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo du lịch cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bằng các chương trình liên kết đào tạo giáo viên với các trường nổi tiếng tiếng về đào tạo ngành du lịch trong và ngoài khu vực.” – ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo viên, việc thay đổi phương pháp đào tạo cũng đang được đặt ra cho các cơ sở đào tạo.

Hiện, nay nhiều trường đào tạo du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài đã thay đổi phương pháp giảng dạy mới phù hợp hơn cho sinh viên như Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Đại học Ngoại ngữ Tin học, Đại học Hoa Sen, Đại học Kinh tế…

Tiến sỹ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, bên cạnh việc áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam nhà trường còn mở rộng hợp tác với trường đại học ở Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ nhằm tiếp thu các phương pháp giảng dạy mới, giúp nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên.

Thay vì chú trọng học lý thuyết, nhà trường tăng cường các buổi thực hành tại các đơn vị kinh doanh du lịch giúp sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế.

Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường các buổi học nhóm đặt ra nhiều tình huống có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực lễ tân, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn … để sinh viên cùng nhau thảo luận cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Qua đó, sinh viên ra trường có đủ tự tin, năng lực xử lý các tình huống thực tế trong quá trình phục vụ khách du lịch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục