Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất

Theo báo cáo mới nhất của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1-10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900.
Người dân di chuyển dưới tiết trời nắng nóng kỷ lục tại Nagoya, Nhật Bản ngày 16/8/2020. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Người dân di chuyển dưới tiết trời nắng nóng kỷ lục tại Nagoya, Nhật Bản ngày 16/8/2020. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Năm 2020 đang trỏ thành 1 trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, thậm chí có thể vượt cả mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2016.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo Thực trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố ngày 2/12.

Theo báo cáo mới nhất của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1-10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900.

Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.

Báo cáo cho biết năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão.

Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển.

Các năm nắng nóng trên Trái Đất thường có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, năm nay lại trùng với thời điểm hiện tượng La Nina mạnh lên.

Dự kiến, WMO sẽ công bố báo cáo xác nhận dữ liệu trên vào tháng 3/2021.

Cũng trong báo cáo công bố ngày 2/12, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các di sản thiên nhiên của thế giới được Liên hợp quốc công nhận như sông băng, rạn san hô, vùng đầm lầy.

[Đài Loan trải qua ngày tháng Sáu nóng nhất trong 124 năm qua]

Theo báo cáo, IUCN cho biết những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra hiện đe dọa đến hơn 30% trong tổng số 252 di sản thiên nhiên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trên thế giới.

Cụ thể, 94 trong số các di sản thiên nhiên đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng hoặc nguy cấp do nhiều yếu tố như du lịch, hoạt động săn bắn, cháy rừng và ô nhiễm nguồn nước.

Con số này tăng so với con số 62 di sản được đề cập trong nghiên cứu được công bố năm 2017.

Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle nhấn mạnh báo cáo trên cho thấy biến đổi khí hậu đang phá hủy các di sản thiên nhiên của thế giới, từ hiện tượng sông băng giảm cho đến san hô bị tẩy trắng, các vụ cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng ngày càng gia tăng tần suất, điều này đòi hỏi các nước cần cùng nhau giải quyết những thách thức về môi trường ở quy mô toàn cầu.

Cùng ngày 2/12, Đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết Kiev đã trải qua mùa Thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm.

Nền nhiệt độ trung bình trong mùa Thu (kết thúc ngày 30/11) đã tăng lên 11,6 độ C, cao hơn 3,6 độ C so với mức thông thường. Đây là mùa Thu Kiev ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1881.

Ngày 30/11 vừa qua là ngày lạnh nhất vào mùa Thu tại Kiev khi nhiệt độ vào buổi sáng xuống -3,8 độ C.

Ngày 1/9 trở thành ngày ấm nhất trong mùa Thu và cũng là ngày nóng nhất trong cả năm tại Ukraine khi ghi nhận nhiệt độ lên tới 34,7 độ C.

Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát.

Trong tháng Tư năm nay, cháy rừng đã thiêu rụi 66.000ha tại khu vực rừng bỏ hoang gần Chernobyl ở miền Bắc Ukraine.

Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục