Mỹ và Phương Tây xoa dịu Israel sau thỏa thuận với Iran

Mỹ và các nước phương Tây đều đã phải lên tiếng xoa dịu đồng minh Israel sau khi đạt được thỏa thuận ở Geneva về vấn đề hạt nhân của Iran.
Mỹ và Phương Tây xoa dịu Israel sau thỏa thuận với Iran ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ 2 trái) phát biểu trong cuộc họp nội các tuần tại Jerusalem ngày 24/11. THX-TTXVN

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng bảo vệ chính sách của chính quyền ông với Iran, nhưng nói còn nhiều “thách thức lớn” nếu như muốn triển khai thành công thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về tham vọng hạt nhân của Iran.

Ông Obama đã bị chỉ trích dữ dội từ các đối thủ chính trị Cộng hòa ở Mỹ và các đồng minh ở nước ngoài, như Israel, vì theo đuổi giải pháp ngoại giao với Iran. 

Israel đã rất giận dữ trước một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Iran ở Geneva ngày Chủ nhật, theo đó Tehran đồng ý giảm bớt chương trình hạt nhân đổi lấy việc giảm bớt các lệnh cấm vận. Israel gọi đây là một “sai lầm lịch sử” của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Obama khẳng định chính sách ngoại giao của Mỹ luôn đi kèm với các lệnh cấm vận và chỉ riêng “những tuyên bố to tát” không thể đảm bảo an ninh quốc gia của nước này. 

“Lần đầu tiên trong một thập kỷ, chúng tôi đã có tiến triển trong việc ngừng chương trình hạt nhân của Iran,” ông Obama nói. “Những phần chủ chốt của chương trình này sẽ bị đẩy lùi”.

Ông Obama nói công tác ngoại giao sẽ được tiến hành trong các tháng tới để dàn xếp “một lần và mãi mãi mối đe dọa hạt nhân Iran”. “Những thách thức lớn còn phía trước, nhưng chúng ta không thể đóng cánh cửa ngoại giao, và chúng ta không thể loại trừ các giải pháp hòa bình cho những vấn đề của thế giới”, ông Obama nói.

“Chúng ta không thể chỉ nói về việc chấm dứt bạo lục, và những tuyên bố to tát có thể dễ dàng, nhưng hành động mới là điều giúp chúng ta bảo đảm an ninh”.

Trước đó trong ngày 25/11, Pháp nói Liên minh châu Âu (EU) có thể bắt đầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận với Iran từ tháng tới khi các cường quốc bắt đầu triển khai thỏa thuận với Iran, trong khi vẫn nỗ lực không làm Israel phật ý.

Trong một cuộc phỏng vấn trên radio, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ gặp nhau vào tháng tới để thảo luận về việc dỡ bỏ một số lệnh cấm vận trong thỏa thuận này, động thái có thể diễn ra “trong tháng 12 tới”.

Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên ở phương Tây nói với AFP rằng trong những tuần tới, các nỗ lực ngoại giao sẽ tập trung vào việc “triển khai nhanh” thỏa thuận này.

Mỹ và Phương Tây xoa dịu Israel sau thỏa thuận với Iran ảnh 2: Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tại sân bay Mehrabad, sau khi đạt được thỏa thuận về hạt nhân tại Geneva. AFP-TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 25/11 đã quyết định cử cố vấn an ninh quốc gia sang Washington để thảo luận về Iran sau khi cảnh báo thỏa thuận mới sẽ giúp Tehran rảnh tay thúc đẩy hơn nữa năng lực hạt nhân của nước này.

Ông Obama đã nhiều lần nỗ lực trấn an ông Netanyahu và gọi điện cho thủ tướng Israel ngày Chủ nhật để thảo luận về vấn đề này. Thỏa thuận Geneva đạt được chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo tối cao Iran mô tả Israel là “đồ chó hèn nhát” và “đang sắp sụp đổ”.

Tehran có lịch sử đưa ra những tuyên bố xúc phạm với nhà nước Do Thái, quốc gia duy nhất ở Trung Đông có vũ khí hạt nhân. Iran cũng đã nhắc nhiều lần họ không theo đuổi hạt nhân vì mục đích chiến tranh.

Phát biểu ở Jerusalem, đại sứ EU ở Israel, Lars Faaborg-Andersen, nói với các nhà ngoại giao và bộ trưởng tình báo nước sở tại rằng khối 28 nước này “luôn lưu tâm tới an ninh của Israel”.

Nhóm cường quốc P5+1 bao gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh và Đức, nói thỏa thuận với Iran là bước đi trọng tâm trong việc giảm bớt căng thẳng quân sự ở Trung Đông.

Theo thỏa thuận này, có thời hạn sáu tháng trước khi một giải pháp lâu dài hơn được đưa ra thảo luận, Tehran sẽ giới hạn việc làm giàu uranium ở mức thấp và chỉ sử dụng cho các mục đích dân sự.

Nước này cũng sẽ vô hiệu hóa kho uranium được làm giàu ở mức 20% hiện giờ, gần với mức phát triển được vũ khí và là quan ngại lớn nhất với các nước phương Tây.

Đổi lại, Iran sẽ được nhận được các gói giảm nhẹ cấm vận tương đương 7 tỉ USD, bao gồm giải băng một số quỹ cũng như mở cửa trở lại cho các ngành hóa dấu, vàng, kim loại hiếm và ô tô của nước này. Nhưng những phần chủ chốt trong các lệnh cấm vận vẫn không thay đổi.|

Ông Fabius nói Iran cam kết “từ bỏ việc đạt được vũ khí hạt nhân” trong thỏa thuận sơ bộ. “Iran có thể thoải mái phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, nhưng không được phép có vũ khí hạt nhân.”

Nhưng các động thái này đã không thể thuyết phục Israel, khi một cuộc thăm dò dư luận trên nhật báo Israel Hayom cho thấy ba phần tư người Do Thái Israel tin rằng Iran sẽ vẫn phát triển năng lượng hạt nhân bất chấp thỏa thuận Geneva.

Hầu hết báo chí Iran ngày 25/11 đều ca ngợi thỏa thuận Geneva, coi đó là một thành công của Bộ trưởng ngoại giao nước này Mohammad Javad Zarif.

Ông Zarif, đứng đầu đoàn đại biểu Iran, đã nhận được sự chào đón như người hùng khi trở về nhà và khẳng định ngày thứ Hai rằng “cấu trúc chương trình hạt nhân của Iran vẫn được bảo đảm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục