Mỹ tuyên bố Iran có thể hỗ trợ "bên lề" về vấn đề Syria

Ngoại trưởng Mỹ ngày 5/1 tuyên bố Iran có thể đóng một vai trò hỗ trợ "bên lề" cho tiến trình đàm phán hòa bình Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/1 tuyên bố Iran có thể đóng một vai trò hỗ trợ "bên lề" cho tiến trình đàm phán hòa bình Syria.

Đây là phát biểu mang tính tích cực đầu tiên từ Washington liên quan đến sự tham gia của Tehran trong vấn đề Syria.

Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Israel, Ngoại trưởng Mỹ đã để ngỏ khả năng về một sự tham gia mang tính xây dựng của Iran trong hội nghị quốc tế về Syria sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 22/1 tại Geneva (Thụy Sĩ), còn gọi là hội nghị Geneva II.

Tuy nhiên, ông Kerry vẫn lặp lại quan điểm của Washington rằng sự hiện diện của Tehran chỉ có thể ở mức hạn chế và chỉ đứng ngoài chứ không tham gia chính thức, đồng thời phụ thuộc vào quyết định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng như mục đích tham gia của bản thân Tehran.

Mỹ tuyên bố Iran có thể hỗ trợ "bên lề" về vấn đề Syria ảnh 1Cảnh đổ nát sau xung đột tại thành phố Aleppo, miền bắc Syria ngày 24/12/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo giới chức Mỹ, đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao nước này phát đi một thông điệp mang tính tích cực về khả năng tham gia của Tehran vào các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Syria.

Giới quan sát nhận định tuyên bố của ông Kerry đánh dấu thời kỳ tan băng trong quan hệ Mỹ-Iran sau hàng thập kỷ căng thẳng kéo dài.

Iran hiện chưa nằm trong danh sách tham dự hội nghị Geneva II. Trước đó, Nga nhiều lần khẳng định Iran có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, do đó Tehran cần góp mặt tại hội nghị Geneva II. Dự kiến, khoảng 30 quốc gia sẽ tham gia hội nghị Geneva II.

Liên quan tới một vấn đề điểm nóng khác tại Trung Đông, ông Kerry cùng ngày cho biết Chính quyền Tổng thống Barack Obama hiện "quan ngại sâu sắc" đối với tình trạng bạo lực nghiêm trọng tại Iraq.

Phát biểu trước khi rời Jerusalem, Ngoại trường Mỹ khẳng định Washington ủng hộ Chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống lại các tay súng có liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda, tuy nhiên Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Iraq do đây là cuộc chiến của nội bộ nước này.

Iraq đang trải qua thời kỳ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, khi nước này chìm trong các cuộc xung đột giáo phái đẫm máu.

Theo số liệu của phái bộ Liên hợp quốc tại nước này, khoảng 8.109 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trong 11 tháng đầu năm ngoái, trong đó có gần 1.000 người là thành viên các lực lượng an ninh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục