Mỹ: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “có vấn đề”

Trước thềm cuộc đối thoại Trung-Mỹ, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "có vấn đề" và lo ngại việc Trung Quốc đơn phương gây căng thẳng.
Mỹ: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “có vấn đề” ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp xúc với giới truyền thông trên chuyến bay tới Trung Quốc hôm 7/7 (Nguồn: AP)

Việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông là “có vấn đề” và những hành động của quốc gia khổng lồ ở châu Á này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đây là tuyên bố của một quan chức cấp cao của Mỹ với hãng AFP hôm 7/7 ngay trước những cuộc hội đàm cấp cao Trung-Mỹ.

Trung Quốc còn có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, một đồng minh có hiệp ước với Washington. Các quan chức đi cùng Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry nói họ “hết sức quan ngại” về “việc các bên tuyên bố chủ quyền sẵn sàng sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự và tuần duyên trong việc thúc đẩy những tuyên bố của họ”.

Ông Kerry đã tới Bắc Kinh ngày 7/7 chuẩn bị cho phiên đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ thứ sáu, một sự kiện thường niên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hai ngày của các cuộc thảo luận sẽ nhắm tới việc tìm ra con đường cho mối quan hệ Trung-Mỹ đang đầy trục trặc vì những khác biệt trong các căng thẳng trên biển ở châu Á-Thái Bình Dương, các vụ tấn công mạng và vấn đề thương mại.

“Sự mơ hồ của đường chín đoạn là rất có vấn đề”, một quan chức Mỹ đi cùng ông Kerry nói. Theo AFP, Trung Quốc đã áp đặt bằng vũ lực các hoạt động thăm dò dầu khí của họ ở khu vực này bằng những đội tàu lớn, phun vòi rồng, đâm vào tàu và bắt ngư dân các nước khác.

Căng thẳng gia tăng “liên quan rất nhiều tới Mỹ với tư cách là một cường quốc ở Thái Bình Dương, một quốc gia thương mại lớn, một người sử dụng các đường biển và người đảm bảo trong dài hạn cho ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, quan chức cấp cao của Mỹ nói nhưng giấu tên để có thể trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn.

Mỹ nhiều lần nhấn mạnh họ không đứng về phía nào trong cách tranh chấp lãnh thổ, nhưng cáo buộc Bắc Kinh đã có các hành động làm bất ổn trong khu vực và hối thúc nước này đảm bảo tự do hàng hải ở những vùng biển trọng yếu.

Những vấn đề khác sẽ có trong nghị trình bao gồm chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm tới Seoul, Hàn Quốc. “Mỹ và Trung Quốc ngày càng có quan điểm gần nhau về tầm quan trọng và sự khẩn cấp phải buộc Triều Tiên có các động thái không thể đảo ngược tiến tới phi hạt nhân hóa”, quan chức này nói.

Ông Kerry dự kiến sẽ gặp ông Tập Cận Bình vào ngày 9/7.  

Quan hệ Trung-Mỹ thêm căng thẳng hồi tháng Năm khi Mỹ truy tố năm quân nhân Trung Quốc với tội danh tấn công mạng các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng những lệnh truy tố đó chỉ có ý nghĩa biểu tượng và manh tính đưa ra thông điệp cảnh báo Bắc Kinh do khó có khả năng năm người bị truy tố sẽ ra trình diện trước tòa án Mỹ. Nhưng Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt và hủy bỏ những cuộc thảo luận dự kiến về an ninh mạng.

Ông Kerry, cùng Bộ trưởng thương mại Mỹ Jacob Lew và một phái bộ rất lớn, sẽ cố gắng thuyết phục những người đồng cấp Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương, nối lại thương lượng về bảo đảm an ninh trên internet.

Trần Trạch Quảng (Chen Zeguang), trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, hôm 6/7 đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ với năm quân nhân Trung Quốc, gọi đó là “sự vu cáo có ý đồ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục