Một loạt ngân hàng bị "tuýt còi" vì có sở hữu cổ phần vượt giới hạn

Kể từ ngày 15/7/2015, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn 5%.
Một loạt ngân hàng bị "tuýt còi" vì có sở hữu cổ phần vượt giới hạn ảnh 1Giao dịch tại ngân hàng. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại điều 55 Luật các tổ chức tín dụng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; 5/33 ngân hàng có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 ngân hàng có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Theo đó, tổ chức tín dụng phải phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông liên quan tại các tổ chức tín dụng tuân thủ theo quy định (trừ trường hợp được Thủ tướng cho phép hoặc xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt).

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, kể từ ngày 15/7/2015 (Thông tư có hiệu lực thi hành), tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn.

Sau thời hạn xử lý 31/12/2015 hoặc sau thời hạn trong phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan chưa đảm bảo tuân thủ giới hạn tỷ lệ sở hữu sẽ bị áp dụng các biện pháp như không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc trong trường hợp nhân sự là cổ đông, thuộc nhóm cổ đông liên quan hay người đại diện vốn góp; không xem xét đề cử nhân sự tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của cổ đông, nhóm cổ đông liên quan.

Cũng theo Thông tư 06, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp theo quy định; chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn có thể áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khác theo quy định của pháp luật, bao gồm cả biện pháp cơ cấu lại đối với tổ chức tín dụng có cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục