Mạo danh tung tin giả: Cần xử lý điểm để răn đe, ngăn vi phạm

Luật sư cho biết ca sỹ Mỹ Linh có thể khởi kiện yêu cầu đối tượng giả mạo chị xin lỗi và bồi thường. Ngoài ra, cơ quan pháp luật cần xử lý một vài trường hợp để răn đe...
Mạo danh tung tin giả: Cần xử lý điểm để răn đe, ngăn vi phạm ảnh 1Giả mạo ca sỹ Mỹ Linh nhằm quảng cáo để bán thuốc xịt chống ngáy ngủ. (Nguồn: Chụp màn hình)

Liên quan tới vụ việc nữ ca sỹ Mỹ Linh bị kẻ xấu giả mạo, lợi dụng hình ảnh để phát tán thông tin sai sự thật nhằm bán thuốc, luật sư Trần Tám (Công ty IPCOM) cho biết ca sỹ hoàn toàn có thể khởi kiện, yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, nữ luật sư này cũng cho rằng, ở Việt Nam cần có một vài trường hợp điển hình đưa ra xử lý để răn đe…, đặc biệt là những trang thông tin, fanpage mạo danh bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Có thể xử hình sự

- Thưa Luật sư, vừa qua, ca sỹ Mỹ Linh đã bị một trang web mạo danh chị để đăng tải thông tin kèm hình ảnh gia đình với nội dung sai sự thật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình ca sỹ và nhạc sỹ Huy Tuấn nhằm… bán thuốc chữa ngáy ngủ. Dưới góc độ luật pháp, đối tượng tung tin giả trên sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Trần Tám: Dưới góc độ quan hệ pháp luật dân sự, người bị xâm phạm (trong trường hợp cụ thể này là vợ chồng ca sỹ Mỹ Linh) có toàn quyền đối với hình ảnh của mình theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự.

Điều 31 Bộ luật Dân sự cũng quy định nghiêm cấm sử dụng hình ảnh cá nhân xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người đó. Nếu bị xâm phạm, cá nhân có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc cung cấp thông tin trên mạng phải theo quy định của Luật Công nghệ Thông tin. Điều 12 Luật Công nghệ Thông tin quy định một trong những hành vi bị cấm là hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Và tất nhiên, pháp luật cũng có những chế tài cho những người thực hiện hành vi vi phạm này. Cụ thể, Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi xâm phạm có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

- Hiện nay, tình trạng giả mạo người nổi tiếng trên các trang mạng xã hội như Facebook ngày càng lan rộng vì nhiều mục đích khác nhau. Nhiều nghệ sỹ, doanh nhân đã phải lên tiếng khẳng định mình không phải là chủ nhân của những trang giả mạo ấy. Quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?

Luật sư Trần Tám: Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đặc biệt là mạng xã hội thực sự là một sự thách thức của nhà nước trong việc quản lý thông tin. Người bị xâm hại không chỉ dừng lại là các cá nhân nghệ sỹ, doanh nhân mà còn là các tổ chức, các doanh nghiệp gây nên thiệt hại không nhỏ về danh tiếng, uy tín, nhân phẩm của họ. Thậm chí người bị xâm hại còn có thể là nhà nước trong trường hợp các thế lực thù địch tuyên truyền thông tin nhằm kích động, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc.

Đứng dưới góc độ này hay góc độ khác, tất cả các hành vi cung cấp thông tin sai lạc đều là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Các chế tài áp dụng sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét đặc biệt là chế định pháp luật nào sẽ được áp dụng pháp luật cho phù hợp.

Chẳng hạn, những trang Facebook được lập ra xuyên tạc thông tin để tuyên tuyền chống phá nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phạm này hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.

Quay trở lại với trường hợp của ca sỹ Mỹ Linh, cô ấy có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bên xâm phạm xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Hoặc cơ quan hành chính xử lý xâm phạm theo quy định tại Luật Công nghệ Thông tin như tôi đã đề cập.

- Theo chị, những đạo luật nhằm ngăn chặn hành vi giả mạo, tung tin giả của chúng ta đã đủ sức răn đe hay chưa?

Luật sư Trần Tám: Về xử lý hình sự theo tôi như thế là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, kiện dân sự và xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân tôi cho rằng còn quá nhẹ so với sự phát triển hiện nay.

Tôi lấy ví dụ, mức phạt 20 - 30 triệu đồng cho hành vi cung cấp thông tin sai lạc là mức xử phạt quá thấp so với nguồn lợi bất chính mà bên vi phạm thu được từ việc cung cấp thông tin sai lạc.

Hoặc trong trường hợp người bị xâm phạm kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục hậu quả, thu nhập thực tế bị giảm sút và khoản tiền bù đắp tinh thần bị tổn hại khoản tiền bồi thường thiệt hại là do thỏa thuận (nếu không thỏa thuận được thì tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu).

Thử tưởng tượng ca sỹ Mỹ Linh tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian theo đuổi vụ kiện mà được bồi thường thiệt hại tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước, chúng ta sẽ thấy rằng mức bồi thường quá nhỏ so với những thiệt hại về danh tiếng và uy tín mà cô ấy đang phải gánh chịu.

Cần làm điểm

- Cho dù vậy thì thực tế chế tài để xử phạt những kẻ mạo danh đã có. Nhưng có vẻ như chúng ta chưa thực sự mạnh tay với những kẻ giả mạo nhằm thu lợi bất chính. Chị có nhận định gì về việc này?

Luật sư Trần Tám: Đúng là việc xử lý thông tin giả mạo hiện nay ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, mới có sự nỗ lực từ phía người bị xâm hại, chưa được sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mạo danh tung tin giả: Cần xử lý điểm để răn đe, ngăn vi phạm ảnh 2Thegioididong "tố" Fanpage giả... (Nguồn: Tgdd)

Để xử lý hiệu quả việc này, bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô khác thì cần sự phối hợp của nhiều bên như: bên bị xâm phạm bởi các thông tin giả mạo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đặc biệt là cần có khung pháp lý cụ thể dành cho bên cung cấp nền tảng. Chúng ta cần yêu cầu bên cung cấp nền tảng phải có những quy định thích hợp, các kỹ thuật thích hợp để hạn chế tối đa những thông tin giả mạo.

Tôi cho rằng để xử lý hiệu quả nhất thiết phải có một hoặc một số vụ việc được đưa ra xử lý làm tiền lệ để ngăn ngừa những hành vi có thể phát sinh vi phạm trong tương lai.

Và tất nhiên, không thể không kể đến vai trò rất quan trọng của các cơ quan thông tấn và truyền thông trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dùng mạng Internet và cộng đồng nói chung trong việc tôn trọng cá nhân, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Theo chị, khi bị mạo danh, những người bị hại cần làm gì?

Luật sư Trần Tám: Việc đầu tiên mà các cá nhân, tổ chức có thể làm khi phát hiện mình bị xâm phạm danh tiếng, uy tín, nhân phẩm trên môi trường mạng Internet là yêu cầu gỡ bỏ thông tin (có thể là gỡ bỏ thông tin trên mạng internet do chính trang tin đó cung cấp hoặc gửi báo cáo đến đơn vị cung cấp nền tảng bởi hầu hết bên cung cấp nền tảng đều có các quy định này dành cho người sử dụng).

Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể, mức độ hành vi cụ thể mà có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu cơ quan hành chính can thiệp, hoặc cơ quan tố tụng hình sự khởi tố trong trường hợp hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Và như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam hầu như chưa có tiền lệ này nên để hiệu quả, phải có một vài trường hợp điển hình đưa ra xử lý, điều này đòi hỏi sự quyết tâm lớn, thậm chí cả sự dũng cảm từ phía người bị xâm phạm.

- Xin cảm ơn luật sư!

Bài 5: 'Tài khoản giả mạo, thù địch sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook'

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục