Fake News và cuộc chiến trường kỳ chống thông tin xấu độc

Nữ ca sỹ Mỹ Linh đã chia sẻ dòng trạng thái bức xúc về việc một website mạo danh cô quảng cáo cho chai xịt chống ngáy ngủ. “Bệnh nhân” được nhắc đến trong bài chính là nhạc sỹ Anh Quân.

Với sự ‘chắp cánh’ của Internet, tốc độ bùng nổ của mạng xã hội, tin tức giả mạo (Fake News) trở thành vấn nạn toàn cầu. Tại Việt Nam, với hơn một nửa dân số sử dụng Internet, những kẻ lừa đảo, các phần tử phản động đã nhanh chóng lợi dụng điều kiện này để phát tán tin tức giả mạo. Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều website, blog, fanpage giả mạo các chính trị gia nhằm hạ uy tín lãnh đạo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân…

Loạt bài “Cuộc chiến trường kỳ chống thông tin xấu độc” sẽ giúp độc giả có cái nhìn đúng đắn nhất về Fake News dưới góc độ pháp lý cũng như hành động đúng đắn của Việt Nam giúp người dân tiếp cận và phát triển trong một môi trường Internet an toàn.

Fake News và cuộc chiến trường kỳ chống thông tin xấu độc ảnh 1Dòng trạng thái chia sẻ đầy bức xúc của diva Mỹ Linh. (Nguồn: chụp màn hình)

Bài 1: Mạo danh diva Mỹ Linh "tố" chồng ngủ ngáy để bán thuốc xịt

 

Trên Facebook của mình, nữ ca sỹ Mỹ Linh đã chia sẻ dòng trạng thái bức xúc về việc một website mạo danh cô quảng cáo cho chai xịt chống ngáy ngủ. “Bệnh nhân” được nhắc đến trong bài chính là Anh Quân, chồng của cô.

Đây là một trong những chiêu trò giả mạo tin tức từ những người nổi tiếng để trục lợi. Và với tốc độ lan truyền khủng khiếp trên mạng xã hội như hiện nay, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của người bị giả mạo.  

Đó là chưa kể tới việc sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, không thẩm định được chất lượng, và nhiều khi có giá không hề rẻ.

Mượn danh người nổi tiếng

Trên dòng trạng thái được đăng tải tối 30/3, trên Facebook của mình, diva Mỹ Linh khuyến nghị mọi người hãy chia sẻ bài viết của cô để cảnh báo cộng đồng mạng về thông tin lừa đảo được trích dẫn trong một đường link đính kèm.

Nhấp chuột vào đường link nói trên tại địa chỉ http://www.e-newsportal.info/, đập vào mắt người đọc là dòng tít: “Mỹ Linh: Anh quân đă hết ngáy ngủ trong một ngày” [chúng tôi viết nguyên văn dòng tít sai chính tả - ​PV]. Tiếp theo, kẻ bịa chuyện còn giả làm Mỹ Linh để “tiết lộ” một bí mật trong cuộc sống vợ chồng khi Anh Quân mắc chứng ngáy ngủ tới… điếc tai và cô “không thể ngủ được bên cạnh anh ý.”

Thậm chí, kẻ mạo danh còn khẳng định đây là “vấn đề di truyền trong gia đình” khi cha của Anh Quân cũng ngáy khi ngủ.

Sau khi tả một hồi từ ta sang Mỹ, kẻ mạo danh còn kể trong một bữa tiệc, bạn thân của đôi vợ chồng - nhạc sỹ Huy Tuấn - cho biết anh được một người bạn cho một chai xịt đặc biệt có tên là Good Niter và nhạc sỹ đã thành công trong việc “trị” chứng ngáy ngủ của mình.

Đương nhiên, để quảng cáo cho nhãn hàng, đoạn kết của bài viết rất “có hậu” khi kể rằng Anh Quân đã xịt hai lần trong một đêm và “đó là đêm ngủ đầu tiên của chúng tôi không có tiếng ngáy.”

Đọc bài viết, có thể thấy rất rõ kẻ mạo danh đã dàn dựng một câu chuyện với lối dẫn dắt có thể làm người đọc tin tưởng để mua sản phẩm. Các nhân vật được dựng lên đều là những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong làng showbiz Việt. Đặc biệt, kẻ mạo danh còn lấy rất nhiều hình ảnh của họ để minh họa cho bài viết của mình.

Trang web này có địa chỉ liên hệ tại 468 W Water St, Santa Fe, New Mexico 87501 (Mỹ) và có một địa chỉ gmail là online.marketing.santafe@gmail.com.

Khi chúng tôi nhấp chuột vào những dòng chữ tên sản phẩm được hypelink trong bài viết nói trên, trình duyệt máy đưa vào trang web http://www.goodniterasia.com có quảng cáo, rao bán sản phẩm với giá đang rất khuyến mãi với giá gốc là 1.580.000 đồng và giá hiện thời là 790.000 đồng. Địa chỉ liên hệ mà trang web để lại là 40 North Central Avenue, Phoenix, Arizona, 85004 (Mỹ).

Có một đặc điểm chung là các trang web này đều được thiết kế đơn giản nếu không muốn nói là sơ sài.

Cũng trên trạng thái của mình, diva Mỹ Linh đề nghị những người liên quan lập tức dỡ bài và công bố trước công luận xin lỗi tôi và gia đình. Chị cũng chia sẻ sẽ viện đến luật sư để xử lý vụ việc.

Trả lời phỏng vấn của VietnamPlus sáng nay, ca sỹ Mỹ Linh nói đây là một kiểu kinh doanh lừa đảo vô đạo đức.

"Cần xử lý nghiêm để tránh việc họ thấy không ai lên tiếng sẽ tiếp tục làm tới. Tôi đang liên hệ luật sư để liên lạc với đơn vị nhập khẩu sản phẩm này, không thể nói là họ không liên quan," Mỹ Linh cho biết. "Việc này ảnh hưởng đến uy tin cá nhân của tôi và gia đình, và làm mất niềm tin vào các sản phẩm được kinh doanh nghiêm túc, đàng hoàng khác. Tôi sẽ giải quyết tận cùng việc này."

Trách nhiệm của đơn vị “tiếp tay” lan truyền

Thực tế cho thấy, FakeNews (tin tức giả mạo) không phải là vấn đề mới, mà nó đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua.

Với sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội, đặc biệt là sự xâm nhập mạnh mẽ của Fakebook, những kẻ lừa đảo thường tưởng tượng ra một bài viết của người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình qua một trang web nào đó. Sau đó, chúng sẽ lập ra nhiều nickname trên Facebook để lan truyền đường link, dụ người dùng vào trang web để mua sản phẩm.

Là một nền tảng công nghệ, song rõ ràng, các mạng xã hội đã góp phần tiếp tay cho việc lừa đảo bùng phát. Và, câu chuyện trách nhiệm xã hội hơn lúc nào hết cần được thể hiện.

Phóng viên VietnamPlus đã từng đặt câu hỏi cho đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam về vấn đề này cách đây nửa năm, song tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa nhận được câu trả lời từ hãng.

Thực tế, Facebook cũng có một vài biện pháp để chống lại những kẻ giả mạo bằng cách cho phép người dùng báo cáo. Sau đó, hãng sẽ khóa tài khoản được báo cáo nói trên và chỉ mở lại khi được cung cấp giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, đây sẽ là “con dao hai lưỡi” bởi có rất nhiều người dùng bị “báo cáo láo” và họ phải làm theo yêu cầu của Facebook thì tài khoản mới được mở lại, gây nên sự bất tiện không hề nhỏ.

Một người dùng tại Việt Nam cho biết, lý ra, thay vì việc họ phải trình chứng minh thư nhân dân để xác nhận “nhân thân” khi bị báo cáo, Facebook thay đổi chiến lược, yêu cầu họ trình báo ngay từ lúc đăng ký thì sẽ tránh phiền phức rất nhiều. Thế nhưng, “khó khăn” trong việc đăng ký thì có thể sẽ ảnh hưởng lượng người dùng mới của Facebook và đây là điều bất kỳ mạng xã hội nào cũng không mong muốn.

Fake News và cuộc chiến trường kỳ chống thông tin xấu độc ảnh 2Kẻ mạo danh giả Mỹ Linh để nhằm bán lọ xịt này. (Ảnh chụp màn hình)

Trở lại với câu chuyện FakeNews, rõ ràng, các mạng xã hội, đặc biệt là Fakebook không nên chỉ tuyên chiến suông, mà cần có những giải pháp cụ thể để dẹp vấn nạn này. Bởi lẽ, người xây chợ phải có trách nhiệm quản lý gian hàng. Không thể nhắm mắt mặc thông tin lừa đảo được chia sẻ trên nền tảng của mình.

[YouTube đối mặt với một cuộc tẩy chay quảng cáo toàn diện]

Hãy nhìn câu chuyện của Google-YouTube làm ví dụ điển hình. Mới đây, khi toàn nhiều quốc gia lên tiếng về việc các nội dung xấu độc, giả mạo tồn tại trên YouTube, gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị, an ninh quốc gia, kích động bạo lực, dâm ô…, Google đã phải nghiêm túc xem lại chính sách của mình nếu không muốn bị tẩy chay.

Và thực tế, rất nhiều nhãn hàng, đối tác quảng cáo của YouTube đã lên tiếng, yêu cầu hãng phải “làm sạch” chính những nội dung xấu độc mà người dùng tải lên nền tảng của YouTube để các quảng cáo của họ được hiển thị trên một “môi trường sạch.” Có như vậy, bản thân quảng cáo mới đến đúng đối tượng người dùng, đem lại hiệu quả cao mà nhãn hàng mong muốn.

Chuyện của diva Mỹ Linh chỉ là một trong số rất nhiều tin tức giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook hiện nay. Hơn lúc nào hết, mạng xã hội này cần nghiêm túc hơn trong việc thể hiện trách nhiệm xã hội của mình nếu không muốn bị tẩy chay trên diện rộng và thiệt hại khôn lường về sau./.

Bài 2: Giả người nổi tiếng để trục lợi: Chuyện thường ngày ở… Facebook

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục