Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng gạo xuất khẩu của nước này sẽ đạt mức cao nhất trong 5 năm trong vụ thu hoạch tới, kéo dài từ tháng 8/2015 đến thàng 7/2016. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng đối với Nhật Bản, nước đang chịu sức ép phải tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Mỹ theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cụ thể, xuất khẩu gạo của Mỹ ước tăng lên gần 5 triệu tấn trong thời gian trên, mức cao nhất kể từ niên vụ kết thúc vào tháng 7/2011, do tính cạnh tranh tăng nhờ hạ giá bán.
Khoảng 50% lượng thóc gạo thu hoạch của Mỹ được xuất khẩu ra nước ngoài như Mexico, Haiti, Nhật Bản, Brazil và Canada.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về TPP giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 đối tác ven Thái Bình Dương khác đang bước vào giai đoạn quyết định, với vấn đề tiếp cận một số thị trường nông sản “nhạy cảm” chưa được giải quyết.
Trong đàm phán TPP, riêng Mỹ và Nhật Bản vẫn có nhiều bất đồng xung quanh vấn đề hạn ngạch nhập khẩu gạo Mỹ vào Nhật Bản. Washington dự kiến trong cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại TPP, tổ chức tại Hawaii vào các ngày 28-31/7 tới, sẽ thúc giục Tokyo tăng lượng gạo nhập khẩu.
Phía Nhật Bản giữ nguyên quan điểm duy trì thuế quan đặc biệt áp dụng với những nông sản "nhạy cảm" như gạo, lúa mỳ, thịt bò và thịt lợn, các sản phẩm bơ sữa và đường, để bảo vệ nông dân trong nước trước hàng loạt hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ nước ngoài.
Nhật Bản hiện đang áp đặt mức thuế 778% đối với gạo nhập khẩu. Nước này nhập khoảng 770.000 tấn gạo hàng năm mà không áp dụng thuế quan theo hạn ngạch "tiếp cận tối thiểu," trong đó khoảng 360.000 tấn gạo là từ Mỹ.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ các cuộc đàm phán cho hay Washington kêu gọi Tokyo tăng nhập khẩu gạo từ Mỹ thêm 200.000 tấn mỗi năm nhưng trong các cuộc đàm phán, Nhật Bản đề xuất chỉ tăng thêm 50.000 tấn gạo/năm./.