Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời gian tăng giá thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Lãnh đạo VIDIFI cho biết, tháng 12/2015, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến và được thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Theo đó, mức thu phí đường cao tốc từ năm 2016 là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, mức tăng giá thu phí hàng năm được dự tính theo chỉ số tăng giá (CPI) của năm trước đó, thời điểm tăng bắt đầu từ năm 2017. Dự kiến, mức tăng giá thu phí năm 2017 so với năm trước là 4%.
Theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đã chấp thuận cho phép VIDIFI thực hiện giảm 35% phí đối với xe loại 5 trong năm 2016.
Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến được hơn một năm, tiếp tục thực hiện các chủ trương của Chính phủ nêu trên, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, VIDIFI đề xuất 2 phương án dụng giá thu phí.
Cụ thể, phương án 1 cho phép VIDIFI thực hiện điều chỉnh giá sử dụng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo phương án nêu tại hợp đồng BOT, thời điểm điều chỉnh bắt đầu từ tháng 4/2017.
Phương án 2, chấp thuận việc VIDIFI giữ nguyên mức giá đã áp dụng trong năm 2016, chưa thực hiện việc tăng giá sử dụng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo phương án tài chính của dự án (bao gồm cả việc giữ mức giá của xe loại 5 giảm 35% như trong năm 2016). VIDIFI sẽ xem xét, báo cáo điều chỉnh giá thu phí vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính.
[Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Hai năm thu phí, nợ vẫn "lơ lửng trên đầu"]
Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, dù lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng gia tăng nhưng do những khoản nợ vẫn “treo lơ lửng” trên đầu nhà đầu tư chưa được giải quyết khiến số tiền phí thu về mỗi ngày thậm chí không đủ để trả đủ lãi các khoản vay.
Theo ông Đặng Văn Tâm, mức thu phí nhiều nhất của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là 5 tỷ đồng/ngày, ngày thường dao động 4 tỷ. So với thời gian đầu đưa vào khai thác thì mức thu phí khá hơn. Nhưng, số lãi hiện giờ nhà đầu tư vẫn phải trả cho khoản vay vốn thương mại mỗi ngày tới tận 7 tỷ đồng.
Do đó, VIDIFI đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải) xem xét, giúp đỡ, sớm bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án (khoảng 4.069 tỷ đồng) và tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD để phương án tài chính dự án không bị đổ vỡ, đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư của dự án./.
Theo quyết định phê duyệt dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ…
Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105km, có 6 làn xe, 6 trạm thu phí, tốc độ tối đa 120km/giờ, tối thiểu 60km/giờ được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.