Luật doanh nghiệp: Sửa đổi để doanh nghiệp phát triển

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
Luật doanh nghiệp: Sửa đổi để doanh nghiệp phát triển ảnh 1May gia công quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH may Phú Mỹ - Kim Anh, Quảng Nam. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi trong bối cảnh Dự thảo luật này chuẩn bị được đưa ra Quốc hội thông qua.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEM), Luật Doanh nghiệp mỗi lần bổ sung, sửa đổi đều tạo ra sự thay đổi, có những thay đổi mang tính đột phá và ông hy vọng Luật mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Đơn giản hóa điều kiện thành lập doanh nghiệp

Điểm thay đổi quan trọng nhất của Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này là tới đây doanh nghiệp sẽ thực sự được làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì đã đăng ký.

Theo quy định hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải có một số giấy phép, chứng chỉ hành nghề với hoạt động kinh doanh có điều kiện ngay từ khi thành lập.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp bổ sung sửa đổi lần này thay đổi theo hướng tách bạch việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp mới sẽ tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua việc áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Quy định giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đánh giá đây là bước tiến lớn trong sửa đổi Luật doanh nghiệp bởi vì việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đem lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo tiến sỹ Cung, nếu doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Rủi ro tiếp thuộc về phía đối tác, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh thì rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, trong thực tế triển khai nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới việc doanh nghiệp phải xin ý kiến bộ ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động.

Ông Cung cho rằng, việc quy định doanh nghiệp có quyền tự chủ đăng ký và kinh doanh các ngành nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm, nghĩa là chỉ ba loại văn bản này mới có thể ảnh hưởng đến quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.


Thỏa mãn “cơn khát” thành lập doanh nghiệp

Theo Luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadco, việc tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định... là những điểm mới trong luật doanh nghiệp sửa đổi.

Nếu thực hiện sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng này, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn “cơn khát” thành lập doanh nghiệp.

Còn đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi nhà đầu tư phải bỏ chi phí soạn thảo hồ sơ và đăng ký thành lập doanh nghiệp, nộp thuế môn bài, nếu họ chưa hoặc không thỏa mãn được các điều kiện tiếp theo để kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì sẽ được giải quyết như thế nào.

Theo phân tích của Luật sư Quang, trong trường hợp này, có thể sẽ có một số doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn trong quản lý nhà nước và tác động xấu tới xã hội.

Thực tế, các điều kiện kinh doanh sẽ sàng lọc các nhà đầu tư, để loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Việc gắn kết giữa thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực, ngược lại, các điều kiện kinh doanh là rào cản giúp các nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí, ít nhất là chi phí đăng ký doanh nghiệp, chi phí duy trì doanh nghiệp sau đăng ký, và chi phí thuế môn bài, chi phí giải thể...

Rào cản này còn giúp các cơ quan nhà nước không phải “hậu kiểm” đối với các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Quang, cái đáng phải sửa đổi đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phải liên tục, thường xuyên cập nhật các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh để bổ sung hoặc loại bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh không cần thiết cho các nhà đầu tư.

Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đây đã rà soát và lập một danh sách các giấy phép con và các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều đáng tiếc là danh sách này đã không được liên tục cập nhật cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Một vấn đề đặt ra nữa là đối với các điều kiện dành cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải được nhất thể hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành đề cho nhà đầu tư tiện tham chiếu.

Một trong những điểm nổi bật nữa trong Luật mới là sẽ áp dụng mô hình một cửa về đăng ký doanh nghiệp với thuế, lao động, bảo hiểm xã hội; giảm được 5 thủ tục trong số 9 thủ tục đăng ký còn lại. Đây thực sự là thay đổi tương đối lớn so với hiện nay.

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được cải cách nhiều nhất nhưng theo xếp hạng của quốc tế, thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn còn khó, thời gian làm thủ tục vẫn mất 34 ngày. Nếu Luật sửa đổi được thông qua có thể giúp giảm thời gian đăng ký doanh nghiệp xuống còn một nửa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Thạc sỹ Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì khẳng định, việc sửa đổi Luật lần này nhằm mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Luật sửa đổi lần này sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2000 và Luật Doanh nghiệp 2005, ngoài ra sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật bao gồm các điều khoản chưa đủ rõ ràng, chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, chưa tương thích với thông lệ quốc tế...

Ngoài ra cũng tập trung vào các vấn đề liên quan thể chế hóa các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn như quản trị doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước hay doanh nghiệp xã hội.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng có thêm thay đổi đột phá trong Luật và sẽ cố gắng thay đổi để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục