Lời giải cho "bài toán" kinh doanh vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với việc đòi lại vỉa hè, việc quy hoạch bán buôn hàng rong, chợ tự phát trên địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng bước được giải quyết với những đề án, mô hình kinh doanh sáng tạo.
Lời giải cho "bài toán" kinh doanh vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1 Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ nhiều trường hợp nhà dân dựng mái che, biển hiệu chiếm vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Song song với tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc quy hoạch bán buôn hàng rong, chợ tự phát trên địa bàn của thành phố cũng từng bước được giải quyết với những đề án, mô hình kinh doanh sáng tạo.

Nhiều vỉa hè thay áo mới

Ghi nhận thực tế trên các tuyến đường chính thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tại các địa bàn quận 1, 3, 7, Bình Thạnh, Tân Bình... vỉa hè dành cho người đi bộ đã ngày càng hiện ra rõ rệt, tạo nên hình ảnh những con đường, góc phố sạch đẹp, xanh tươi.

Hình ảnh các bảng hiệu, mái che, vật dụng, hàng hóa, chỗ để xe cho khách lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường không đúng quy định đã thưa thớt, do nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động sắp xếp lại điểm kinh doanh, bán buôn của mình.

Bên cạnh đó, tại các khu vực đông đúc như trường học, bệnh viện, bến xe... tình trạng bị hàng rong "bao vây" cũng được giảm đi rất nhiều từ khi triển khai các thông tin tuyên truyền, thông báo chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của lãnh đạo thành phố và sự thực hiện đồng bộ của 24 quận, huyện trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, bà Liên Anh, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, cho biết trước đây, mỗi sáng đưa cháu nội đi nhà trẻ, bà phải chịu cảnh bon chen với những hàng quán kinh doanh vỉa hè hay người bán hàng rong, nhưng gần đây, tình trạng này không còn nữa. Điển hình là trên đường đến trường, những hàng quán kinh doanh đã không còn bày hàng hóa hay bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, trước cổng trường không còn những người bán hàng rong tụ tập và mời chào người mua.

Tương tự, tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở những tuyến đường liền kề các chợ truyền thống như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Gò Vấp (quận Gò Vấp)... cũng giảm mạnh.

Tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, hằng ngày, Ban Quản lý chợ đã phát loa nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ quy định hoạt động về đảm bảo an ninh trật tư của chợ. Bên cạnh đó, vào các thời gian cao điểm bán buôn, đội ngũ quản lý, bảo vệ tại chợ thường xuyên triển khai công tác an ninh trật tự, đảm bảo người kinh doanh không có hành vi lấn chiếm vỉa hè để bán buôn.

Theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 7, trên tinh thần chấn chỉnh việc lấn chiếm vỉa hè nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ dân hai bên đường, quận đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bám sát chủ trương của thành phố.

Từ đầu tháng 3/2017, quận 7 đã triển khai và duy trì hoạt động tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh, người bán buôn không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè hoặc tụ tập bán buôn ở những khu vực "cấm."

Ngoài ra, việc kẻ lại vạch sơn trên các tuyến đường chính trên địa bàn 10 phường thuộc quận cũng được triển khai khẩn trương.


Hỗ trợ chuyển đổi nghề

Đánh giá về kết quả triển khai lập lại trật tự vỉa hè trong thời gian qua, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 134 tuyến đường trên địa bàn quận thì có hơn 100 tuyến đường đã thông thoáng. Bên cạnh đó, quận cũng thực hiện khảo sát, thống kê có gần 600 hộ kinh doanh vỉa hè, trong đó số hộ thuộc diện nghèo chiếm gần 50%.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân quận đã tư vấn, giới thiệu việc làm đối với những hộ thuộc diện nghèo đồng ý chuyển đổi công việc, còn những hộ không muốn chuyển đổi sẽ được tổ chức địa điểm kinh doanh phù hợp.

Không chỉ quận 1, mà trong thời gian gần đây, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh khảo sát, thống kê tình hình buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát trên địa bàn.

Tại quận 8, qua khảo sát, thống kê trên địa bàn có gần 1.400 hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trong đó bao gồm cả buôn bán hàng rong và chợ tạm tự phát. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân quận 8 chỉ đạo các phường sớm ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân để có phương án tạo điều kiện kinh doanh mới hoặc chuyển đổi việc làm phù hợp, trong đó ưu tiên những người dân thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Theo lãnh đạo các địa phương, lập lại trật tự vỉa hè nói chung, tổ chức buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát nói riêng cần sự phối hợp và hưởng ứng của người dân. Bởi một bộ phận không nhỏ người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, là dân nhập cư, không sinh sống cố định ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ lưu trú thời gian ngắn để kinh doanh, bán buôn.

[TP. Hồ Chí Minh xử lý vỉa hè: Vẫn còn một số ý kiến băn khoăn]

Ngoài ra, cũng có nhiều đối tượng kinh doanh, bán buôn theo thời vụ, đến khi tìm được công việc khác thì tạm nghỉ, rồi sau đó trở lại hoạt động buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát. 

Liên quan đến tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh các sở ngành cũng như lãnh đạo 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, cần sắp xếp tổ chức kinh doanh hàng rong, chợ tạm, bán buôn tự phát một cách hợp lý. Đặc biệt, phải đảm bảo chuyển đổi ngành nghề, tư vấn và tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó chú trọng người dân thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Nhấn mạnh thành phố không chủ trương "đẩy đuổi" người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị đối với các giải pháp chấn chỉnh trật tự đô thị cần tính đến việc khuyến khích, vận động, hỗ trợ người dân chuyển nghề hoặc sắp xếp buôn bán ổn định hơn. Các đơn vị cùng với lãnh đạo thành phố, các quận, huyện trên địa bàn sẽ nghiên cứu những giải pháp tạo động lực cho người dân thay đổi thói quen lâu nay trong đời sống, sinh hoạt, làm ăn trên vỉa hè, lòng lề đường.

Thí điểm mô hình kinh doanh mới

Hướng đến đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ người dân đang buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện rà soát và bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm sắp xếp các đối tượng này vào khu vực bán buôn phù hợp tại chợ truyền thống hoặc kinh doanh tại nhà.

Các giải pháp phải đảm bảo giúp người dân đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh kinh doanh ổn định, trong trường hợp người dân chưa thể ổn định kinh doanh thì không để người dân khó khăn hay không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. 

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương triển khai một số đề án thí điểm tổ chức Chợ phiên cuối tuần, Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh (có thời hạn) tại các tuyến đường trên địa bàn quận 1. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương tổ chức Chợ phiên cuối tuần tại Công viên cảng Bạch Đằng và Đề án Phố âm nhạc, đường âm nhạc trên địa bàn quận 1 đồng thời giao cho Ủy ban Nhân dân quận 1 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án này.

Cụ thể, đối với mô hình Chợ phiên cuối tuần tại Công viên cảng Bạch Đằng, hoạt động tổ chức kinh doanh phải đảm bảo văn minh, hấp dẫn, an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời khu vực kinh doanh không ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân cũng như khách du lịch trong khu vực.

Bên cạnh đó, Chợ phiên ưu tiên kinh doanh sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhằm đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Mô hình Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh, trong năm 2017 sẽ được hoạt động từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 11 giờ đến 13 giờ hàng ngày trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm, khu công viên Bách Tùng Diệp thuộc địa bàn quận 1.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân quận 1, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, triển khai xây dựng Đề án Phố đi bộ Đề Thám thuộc địa bàn quận 1. Đề án phải đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường; định hướng xây dựng Phố đi bộ Đề Thám trở thành một không gian nghệ thuật độc đáo, để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.

Quy hoạch hoạt động bán buôn

Cùng với thí điểm mô hình kinh doanh mới, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều tuyến đường để quy hoạch thành khu phố hàng rong, phố ẩm thực, phố thời trang.

Đại diện Ủy ban Nhân dân quận 8 cho biết hiện nay, số lượng quầy sạp thuộc các chợ truyền thống trên địa bàn quận còn trống gần 1.000 quầy sạp nên quận sẽ tạo điều kiện cho những người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát vào các chợ này.

Phương án này sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở lấy ý kiến và khuyến khích người dân, ưu tiên đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Đại diện Ủy ban Nhân dân quận 2 cho hay quận này đang lên kế hoạch chọn một khu đất khoảng 10.000m2 tại phường An Phú để xây dựng chợ. Dự kiến, chợ này sẽ là địa điểm bố trí người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.

Lời giải cho "bài toán" kinh doanh vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Xe máy được sắp xếp trật tự ngăn nắp hơn tại tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình, kiên quyết tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố nói chung và quận Tân Bình nói riêng nhưng vẫn phải tìm phương án tạo điều kiện cho người dân có điều kiện kinh doanh phù hợp. Do đó, ngoài việc bố trí cho những người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát có chỗ hoạt động ở chợ Phạm Văn Hai từ 18 giờ 30 đến 23 giờ, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình đang tiếp tục khảo sát địa điểm mới và dự kiến có triển khai mô hình này ở các chợ như Tân Bình, Bầu Cát...

Sau tuyến phố Đông Y được khai trương đầu năm 2017, ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân quận 5, cho biết quận này đã xây dựng xong tuyến phố chuyên kinh doanh vàng bạc, đá trang sức và sẽ chính thức khai trương vào cuối tháng 4/2017. Các tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng là một trong những chiến lược phát triển của quận 5 nhằm hình thành các điểm tham quan và mua sắm hấp dẫn theo hướng hiện đại nhưng bảo tồn ngành nghề truyền thống, an ninh trật tự trên địa bàn.

[TP Hồ Chí Minh kiên quyết lấy lại vỉa hè, lề đường cho người đi bộ]

Thông tin thêm về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, lãnh đạo quận 5, cho rằng bên cạnh việc xây dựng logo và bộ nhận diện riêng cho từng tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng, các đơn vị liên quan trên địa bàn quận 5 còn chú trọng bố trí bãi giữ xe, lập đội bảo vệ an ninh trật tự...

Nhìn nhận vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, nếu không có chỗ đậu xe thì hoạt động kinh doanh, bán buôn khó thuận lợi nên hiện nay, nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố đang nghiên cứu quy hoạch các điểm giữ xe, để hỗ trợ người kinh doanh, bán buôn có chỗ giữ xe cho khách hàng. Để người kinh doanh, bán buôn giảm bớt được chi phí thuê bãi giữ xe cho khách hàng, các cán bộ phường, tổ dân phố đã trở thành đầu mối hướng dẫn, khuyến khích các đơn vị thuê chung một địa điểm giữ xe cho khách.

Điển hình, tại hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, do hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang, ẩm thực đều có vị trí mặt bằng không thiết kế được chỗ giữ xe cho khách hàng nên những đơn vị này đã thuê chung một bãi giữ xe cho khách.

Chủ cửa hàng Gu Shop, cho biết việc thuê chung bãi giữ xe không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần tạo mỹ quan cho vị trí kinh doanh vì không có tình trạng cửa hàng này hay cửa hàng kia lấn chiếm lề đường. Thêm vào đó, cả người kinh doanh lẫn khách hàng đều yên tâm về chỗ giữ xe an toàn, đảm bảo an ninh trật tự khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục