Theo tinh thần của bản quy hoạch quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2020 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai thì “hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn của tỉnh phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có khoáng sản.”
Trên cơ sở đó, công tác tái định cư cho người dân trước lúc doanh nghiệp đi vào khai thác mỏ là việc làm cần thiết, nhằm ổn định cuộc sống, giúp nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, trên thực tế, việc di dời dân ở quanh các khu vực mỏ khoáng sản lại không mở ra cho người dân hướng phát triển mới, mà thậm chí còn khiến dân nghèo thêm khổ cực.
Trong buổi tiếp xúc với đoàn nghiên cứu môi trường của Trung tâm Con người và Thiên nhiên vào những ngày đầu tháng 9 vừa qua, rất nhiều người dân ở huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai đã không dấu được nỗi bức xúc khi nhắc đến hoạt động khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường, thu hẹp diện tích đất canh tác, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng bởi hàng ngàn đợt nổ mìn thiếu an toàn của doanh nghiệp.
Vào thăm gia đình ông Trần Văn Thu, ở tổ 17 (phường Nam Cường, thành phố Lào Cai) nằm sát mép đường, cách khai trường 14 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Lào Cai thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khoảng vài trăm mét. Chẳng những ngôi nhà lụp xụp và những vật dụng của gia đình phủ dày đất bụi, mà con người ông từ chân đến đầu cũng “bạc trắng” bụi đường.
Gia đình ông Thu trước đây sống ở ven trục đường B5 cách nhà mới khoảng 1km. Tháng 6/2004, gia đình ông “ôm” 150 triệu đồng tiền đền bù vào tổ 17 mua đất, xây nhà, nhen nhóm cuộc sống mới. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình ông đã bị “tra tấn” bởi hàng chục chiếc xe tải chở quặng gây bụi và tiếng nổ mìn như “sét đánh” của doanh nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi về nỗi khổ trong suốt gần 10 năm sống bên vùng mỏ, ông Thu bảo hàng ngày xe chở quặng đi qua làm rơi vãi, bụi bặm khiến gia đình ông phải đóng kín cửa ở trong nhà. Nhiều hôm, bụi từ trên đường bay vào nhà không thể thở được. Đã vậy, cứ vài ngày, vào khoảng 3 giờ chiều doanh nghiệp lại nổ mìn, rung như đứt mạch.
Hiện tổ 17 phường Nam Cường có 50 hộ dân sinh sống. Nhiều năm qua, người dân nơi đây rất bức xúc trước hoạt động khai thác quặng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Lào Cai. Thậm chí, để đòi quyền lợi cho mình, người dân nơi đây đã nhiều lần khiếu kiện, nhưng vẫn không thay đổi được gì.
Không chỉ riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Lào Cai, hoạt động khai thác quặng của Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cũng đã và đang gây bức xúc cho người dân địa phương, bởi hàng ngày doanh nghiệp nổ mìn phá nát cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
Ông Phạm Văn Thuấn, ở thôn Minh Trang, xã Cốc Mỹ, cho biêt từ năm 2011, gia đình ông được đền bù 96 triệu đồng tiền hiến đất và chuyển từ thôn Minh Tân (xã Cốc Mỳ) ra khu tái định cư Minh Trang. Thế nhưng, nhà ở đây nằm trên bãi thải, dưới là nước ngầm, nước ăn ô nhiễm. Mặt bằng tái định cư nơi đây lại không ổn định, trước đó là khu đầm lầy, thường sạt lở, lún, thiếu an toàn.
“Từ ngày nhường đất cho doanh nghiệp tới khu tái định cư này, gia đình tôi luôn phải sống trong nỗi bất an vì tiếng nổ mìn phá đá xé nát không gian, làm nứt nẻ tường nhà cùng với 2 hồ thải sặc sụa mùi tanh của đồng nằm sát khu dân cư. Giờ đây, ruộng mất, đói việc làm, thiếu nước sạch nên gia đình tôi cũng héo mòn theo năm tháng,” ông Thuấn thở dài nói.
Tương tự, gia đình chị Tạ Thị Dung, (từ thôn Minh Tân đến khu tái định cư Minh Trang) mấy năm nay cũng phải sống cảnh bất an mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn phá đá. Chị bảo, từ ngày tới khu này, gia đình chị chưa bao giờ được giấc ngủ ngon, đã thế cuộc sống còn khổ cực hơn vì mất hệt ruộng, “đói” việc làm.
“Mấy năm trước, doanh nghiệp họ có đào cho bà con 2 giếng nước, nên thời gian đầu tôi cũng tìm hướng nấu rượu và nuôi lợn. Thế nhưng, về sau nước giếng cạn kiệt, cái nghề của tôi cũng như chết đứng vì 2-3 ngày mới có ít nước. Vậy là sống cảnh nông dân vô nghề,” chị Dung buồn rầu.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cốc Mỳ cũng thừa nhận, tái định cư cho người dân khu vực đang là vấn đề bất cập khiến chính quyền địa phương rất đau đầu. Bởi không chỉ khai thác gây ô nhiễm, việc nổ mìn phá đá của doanh nghiệp cũng đã làm nứt nẻ nhiều căn nhà của các hộ dân.
Chỉ tiếng riêng khu vực tái định cư thôn Minh Trang với 36 hộ dân mới chuyển đến trong khoảng thời gian từ năm 2008-2011, nhưng đến nay đã có 14 hộ có nhà bị nứt tường, trong đó có 2 nhà không thể ở vì vết nứt quá lớn.
Các cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra và xác nhận nguyên nhân sơ bộ là do khu tái định cư nằm trên nền đất yếu (đất mượn); việc lu lèn nền tái định cư chưa tốt và phần móng nhà chưa bảo đảm về kỹ thuật...
Chia sẻ về hoạt động khai thác khoáng sản của 2 doanh nghiệp trên, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết để giảm lượng bụi trong quá trình vận chuyển quặng, gần đây các doanh nghiệp đã đầu tư xe phun nước, thế nhưng tại khu vực đường đi lên các nhà máy tuyển vẫn còn bụi, ảnh hưởng đến môi trường.
“Thực tế thì khai thác mỏ tạo ra lượng bụi rất lớn nên việc gây ô nhiễm môi trường là có. Không những thế, hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp còn làm ảnh hưởng đến đường giao thông. Một số khu vực khai thác còn ảnh hưởng đến ruộng lúa, nguồn nước của người dân,” ông Dương thừa nhận./.