Làng bánh tráng Thạnh Hưng, Kiên Giang rộn ràng dịpTết

Cứ thời điểm này hàng năm, người dân làng nghề Thạnh Hưng (Kiên Giang) lại tất bật với việc tráng bánh cung ứng cho thị trường dịp Tết. 

Làng bánh tráng Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang những ngày này đang rộn ràng không khí Tết khi người dân nơi đây đang tất bật với việc tráng bánh cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Giáp Ngọ.

Như thông lệ hàng năm, bắt đầu vào tháng Chạp âm lịch, các cơ sở bánh tráng ở Thạnh Hưng chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu như bột gạo, dừa khô, chất đốt… để phục vụ cho việc tráng bánh với công suất tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường.

Đây là thời điểm nghề bánh tráng giúp cho nhiều hộ gia đình, nhất là lao động nữ nhàn rỗi, tăng thêm nguồn thu nhập, trang trải trong dịp Tết.

Ngoài cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, bánh tráng còn được người dân Thạnh Hưng đãi khách, làm quà tặng cho bạn bè, người thân khi đến chúc Tết gia đình.

Bánh tráng Thạnh Hưng luôn giữ chữ tín với khách hàng về chất lượng thơm ngon, thương lái khắp nơi trong vùng tìm đến đặt hàng với số lượng lớn.

Chị Lê Thị Nga, một nghệ nhân tráng bánh ở xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng cho biết, mỗi ngày cơ sở của chị tráng 1.500-2.000 chiếc bánh. Bánh làm ra thương lái đều mua hết, trừ chi phí sản xuất còn lãi vài trăm ngàn đồng.

Năm nào cũng vậy, nhờ nghề bánh tráng ông bà, cha mẹ truyền lại mà gia đình có một cái Tết tươm tất, vui vầy.

Không chỉ giúp cho nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng còn góp phần gìn giữ nghề cha ông để lại, một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Làng bánh tráng Thạnh Hưng, xã Thạnh Hưng hình thành phát triển khoảng 80 năm qua, trở thành làng nghề truyền thống của địa phương. Làng hiện có hơn 80 gia đình ở hai ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân làm nghề bánh tráng theo nghề gia truyền nhưng đã kết hợp thiết bị máy móc để sản xuất.

Điển hình như cơ sở bánh tráng Mạnh Tài của ông Nguyễn Như Mạnh ở ấp Thạnh Trung. Ông Mạnh cho biết, từ năm 2008 đến nay, cơ sở bánh tráng Mạnh Tài làm bánh bằng máy thay cho làm thủ công với số vốn đầu tư ban đầu gần 300 triệu đồng.

Sản xuất cung ứng bánh cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cơ sở của ông Mạnh đã dự trữ đủ lượng gạo, hương liệu, chất đốt và thuê trên 20 nhân công lao động.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở bánh tráng Mạnh Tài sản xuất khoảng 50.000 chiếc bánh. Sản phẩm bánh làm ra được thương lái đưa đi tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…

Nhằm tăng giá trị hàng hóa từ các mô hình sản xuất của tỉnh, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh phát triển kinh tế thị trường, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng thành công 12 nhãn hiệu tập thể, trong đó có thương hiệu “Bánh tráng Thạnh Hưng” và tiếp tục đầu tư cho làng nghề này phát triển thời gian tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục