Lại căng thẳng giữa các xứ đòi ly khai và chính phủ Tây Ban Nha

Lãnh đạo của hai xứ có tư tưởng ly khai, Catalonia và Basque, lần đầu tiên tẩy chay một hội nghị quan trọng giữa chính phủ trung ương Tây Ban Nha và các nhà lãnh đạo địa phương.
Lại căng thẳng giữa các xứ đòi ly khai và chính phủ Tây Ban Nha ảnh 1Ông Carles Puigdemont tại cuộc họp về dự thảo ngân sách 2016 ở Barcelona ngày 8/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Căng thẳng khu vực tại Tây Ban Nha lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi lãnh đạo của hai xứ có tư tưởng ly khai, Catalonia và Basque, lần đầu tiên tẩy chay một hội nghị quan trọng giữa chính phủ trung ương và các nhà lãnh đạo địa phương.

Ông Carles Puigdemont, người được biết đến với chủ trương đòi độc lập cho xứ Catalonia, cùng nhà lãnh đạo xứ Basque, ông Inigo Urkullu, đã không xuất hiện tại hội nghị ngày 17/1 tại thủ đô Madrid giữa Thủ tướng Mariano Rajoy với lãnh đạo 15 khu vực bán tự trị cùng 2 thành phố tự chủ Ceuta và Melilla.

Đã có 5 hội nghị tương tự được tổ chức từ trước đến nay, trong đó hội nghị gần đây nhất diễn ra vào năm 2012.

Tuy nhiên, cả hai ông Puigdemont và Urkullu đều muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương và trực tiếp với chính phủ trung ương.

Phát biểu họp báo ngày 16/1, ông Puigdemont đã bày tỏ quan điểm coi hội nghị chung giữa chính phủ trung ương Tây Ban Nha với toàn bộ các lãnh đạo địa phương "không phải là mô hình hữu ích nhất để bảo vệ lợi ích của người dân xứ Catalonia."

Bên cạnh các nội dung khác, hội nghị cũng thảo luận vấn đề ngân sách của Tây Ban Nha, theo đó hầu hết các khu vực địa phương được yêu cầu nộp lại tiền thuế cho chính phủ trung ương, để Madrid phân bổ lại theo nhu cầu thực tế của từng vùng.

Xứ Catalonia giàu có, đóng góp khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, đã nhiều lần khiếu nại việc phần lớn tiền thuế của xứ này bị san sẻ đầu tư cho các khu vực khác. Đây là một trong những lý do xứ Catalonia đã tự quyết định sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào tháng Chín tới về vấn đề độc lập khỏi Tây Ban Nha, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ trung ương.

So với Catalonia thì xứ Basque hiện được hưởng mức độ tự trị cao hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục