Kinh tế Việt Nam 2017: Vượt qua nhiều trở ngại, tạo đà tăng trưởng

Với nền tảng nền kinh tế tăng trưởng ổn định cùng với việc xác định rõ những "điểm nghẽn" và sự nỗ lực của “Chính phủ kiến tạo” được xem là những lợi thế kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng của năm.
Kinh tế Việt Nam 2017: Vượt qua nhiều trở ngại, tạo đà tăng trưởng ảnh 1May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần May Hưng Việt, Khu công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Bước vào năm 2017, với nền tảng nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng ổn định cùng với việc xác định rõ những "điểm nghẽn" và sự nỗ lực của “Chính phủ kiến tạo” được xem là những lợi thế kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng của năm.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho năm thứ hai của nhiệm kỳ 2016-2020.

Tăng trưởng ổn định

Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2016, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, cơ bản đã đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm chống thất nghiệp, xuất khẩu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền dự trữ ngoại hối...

Song song đó, trong suốt năm qua, Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình xử lý những vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế vĩ mô, ví dụ như nợ xấu, thanh khoản ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp cổ phần hóa…

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, một trong những tín hiệu tốt và cũng là điều bắt buộc khi tham gia vào sân chơi hội nhập là Chính phủ rất quyết tâm, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Bởi nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, Việt Nam không thể bắt kịp được trong hội nhập với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng mức tăng trưởng 6,21% cũng đưa Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận với tình hình thế giới, nhiều vấn đề như Brexit, bầu cử ở Mỹ... nên sức tiêu thụ trên thị trường thế giới chậm và giảm sút. Đồng thời, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Việt Nam... không ngừng cạnh tranh về lượng hàng hóa xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ở một số ngành hàng tương đồng; trong đó có dệt may. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của ngành dệt may đạt khoảng 28,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2015, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng này giảm hơn nhiều so với những năm trước.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ rõ mục tiêu lấy tăng trưởng ổn định, không chạy theo chỉ tiêu kế hoạch. Quan điểm này rất phù hợp với quan điểm chung của cả xã hội, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Bởi đã từ lâu, xã hội hơi “mẫn cảm” với vấn đề chạy theo chỉ tiêu, thành tích đã kéo dài lâu nay, kể cả những chỉ tiêu không cần thiết mà không chú trọng đến tính hiệu quả. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp, việc tăng trưởng doanh thu là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn sự tăng trưởng đó phải mang lại hiệu quả và nâng cao đời sống người lao động.

Đồng tình ý kiến này, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (thuộc Him Lam Corporation) cho rằng, với chủ trương “Chính phủ kiến tạo” đã thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực về cải cách thủ tục hành chính, gia tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân về thái độ phục vụ của nền hành chính công. Doanh nghiệp đã dễ dàng hơn khi tiếp cận thông tin.

Với những kết quả đạt được trong năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ trên phương châm “Chính phủ kiến tạo,” kinh tế đất nước sẽ tiếp tục phát triển, giữ vững sự ổn định, cải cách thủ tục hành chính sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Nhận định về “điểm nghẽn” của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 cũng như hướng tháo gỡ trong năm 2017, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, thủy sản bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó dỡ bỏ các rào cản thương mại để hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn cả về số lượng và giá trị.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế và cần tranh thủ lợi thế để phát triển phong trào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đối với lĩnh vực bất động sản, theo ông Lê Hoàng Châu, trong thời gian qua bất động sản cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục phát triển tuy nhiên có dấu hiệu chững lại do 4 điểm nghẽn lớn.

Cụ thể là “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài.

Điển hình, tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có đến 500 dự án ngừng triển khai, chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Kế đó là các “điểm nghẽn” về tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính (nhất là quá trình phê duyệt dự án) và chính sách tín dụng (chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản).

“Muốn thị trường bất động sản phát triển bền vững, ổn định, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì Chính phủ cũng như các địa phương cần ưu tiên tháo gỡ 4 điểm nghẽn này,” ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam, cho rằng giai đoạn hiện tại là thời cơ vàng để Việt Nam chủ động hội nhập, nhưng hội nhập có 2 mặt vừa là cơ hội và cả thách thức.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam trong hội nhập là năng lực. Cơ hội hội nhập thì lớn nhưng tận dụng được cơ hội đó, biến nó thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào năng lực trí tuệ và tầm nhìn.

Đơn cử, ngành dệt may được dự báo là hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng theo tính toán đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngành dệt may chỉ hưởng được 5,3% do chúng ta không có các khâu về sợi, nhuộm, vải, dệt...

Mặt khác, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập.

Chỉ ra một số lợi thế của Việt Nam về nhu cầu thị trường nội địa ổn định, thế mạnh xuất khẩu, dòng vốn FDI chảy vào sản xuất, đầu tư hạ tầng..., ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Việt Nam vẫn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nền kinh tế khác đang có xu hướng phát triển chậm lại, do đó năm 2017 Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,3%/năm.

Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển và có nhu cầu thật sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi chính của nền kinh tế. Cùng với đó, tổng đầu tư trên GDP do nguồn FDI vào Việt Nam cũng ở mức cao, đầu tư công cao sẽ kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển.

Tạo đà tăng trưởng

Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong năm 2017, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, lành mạnh hóa chính sách tài chính-tiền tệ để tạo niềm tin chung cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tạo đà phát triển.

Đây là những kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng hiện còn chậm so với kỳ vọng.

Vì vậy, trong năm 2017 và những năm tiếp Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nợ xấu từ những năm trước để lại.

Đồng thời, có giải pháp đối với tình trạng nợ công đã đạt trần, không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước đây.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7-6,8%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, theo các chuyên gia, cần có phương án tốt trong việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, dùng nguồn lực này, để kích thích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn từ năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam, chia sẻ rotng các nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, nông nghiệp, nông thôn là khu vực bị thiệt thòi nhưng ít được đề cập đến.

Điều đó có nghĩa chúng ta không chỉ hồ hởi hội nhập mà cần chuẩn bị "lưới" dự phòng trước những hệ lụy tiêu cực đối với nông thôn, nông nghiệp và an sinh xã hội.

Hiện nay 60% dân số và hàng chục triệu người dân phụ thuộc vào các chính sách, do đó khi ký kết các FTA cần nghiên cứu các đối tượng sẽ chịu tác động tiêu cực từ những FTA này.

Về các giải pháp dài hơi hơn, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Việt Nam không gặp khó khăn trong huy động nguồn lực nhưng lại chưa sử dụng nguồn lực huy động được một cách hiện quả, phân bổ k hông hợp lý.

Dẫn chứng từ ngành tài chính, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, mặc dù nói nhiều đến tái cấu trúc ngân hàng, đầu tư... nhưng bộ máy thực hiện tái cấu trúc thì không được tái cấu trúc.

Do đó, cần tái cấu trúc ngay bộ máy Nhà nước, bộ máy làm chính sách, hành chính... để làm sao giảm chi tiêu công bởi nếu cộng chi thường xuyên và trả nợ đã quá 100% ngân sách của Việt Nam.

Như vậy không có đồng vốn nào để đầu tư, hay nói cách khác để đầu tư thì chúng ta phải đi vay nợ. Vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để bộ máy hành chính vận hành một cách hiệu quả hơn và chính nó tạo ra những chính sách và thực thi quá trình tái cơ cấu hiệu quả hơn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, trước những cơ hội và thách thức của năm 2017, doanh nghiệp nội địa phải thể hiện được sự quyết tâm trong cải thiện môi trường, quản trị và nâng cao chất lượng doanh nghiệp.

Riêng đối với ngành dệt may, sẽ tăng cường kết nối và hợp tác với các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp FDI, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất.

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng cần tính toán giải pháp cũng như có chiến lược liên kết trong hoạt động xuất khẩu; khai thác hiệu quả nhà cung ứng nội địa, làm nguyên liệu xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tực rèn luyện tính vươn lên và học hỏi kinh nghiệm để biết mình cần làm gì.

Tin tưởng nền kinh tế đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2017, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho rằng: Những chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ đã bắt đầu thấm vào bộ máy công quyền trong việc cải cách hành chính.

Những tiến bộ này đã hỗ trợ và giải phóng sức cho doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin mới, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp gần đây đã đóng góp sức trẻ, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

“Những khó khăn về kinh tế mà chúng ta gặp phải và sự tăng tốc vào cuối 2016 đã tạo nền tảng cho sự phát triển của năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% hoàn toàn có khả năng đạt được,” ông Văn Đức Mười nhận định.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Ashish Kanchan, Giám đốc Điều hành Kantar TNS Vietnam, cho biết dựa trên các dự án nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của Kantar TNS Vietnam, trong năm 2017 tại Việt Nam có nhiều ngành có triển vọng tăng trưởng tốt ở thị trường nội địa.

Việt Nam là quốc gia có dân số đông đứng thứ 13 thế giới, thứ 2 khu vực ASEAN, đồng thời dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, nhóm lao động có thu nhập ngày càng tăng nên cơ hội thị trường rất lớn.

Trong đó, có thể kể đến các ngành như ô tô; nhà hàng, khách sạn, ẩm thực gia đình; y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; sản phẩm, dịch vụ dành cho trẻ em...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế để khắc phục các tồn tại, tạo niềm tin cho năm 2017, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp trong nước phục hồi, giảm thiểu tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ (tốc độ khối doanh nghiệp FDI cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước).

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào các chủ trương tích cực như kiến tạo để các chương trình khởi nghiệp phát triển , đạt mục tiêu có hơn 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Cùng với đó, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng năng suất lao động... sẽ là cơ sở cơ bản để phát triển kinh tế trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục