Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt nguy cơ gia tăng giảm phát

Giá tiêu dùng tăng nhẹ trong khi giá của nhà sản suất giảm mạnh; nhu cầu trong nước yếu trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc đã gây thêm lo ngại về rủi ro giảm phát với kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt nguy cơ gia tăng giảm phát ảnh 1Giao dịch tại một ngân hàng ở thành phố Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá tiêu dùng ở nước này tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2015, trong khi giá của nhà sản xuất giảm mạnh hơn, khi nhu cầu trong nước yếu trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, gây thêm lo ngại về rủi ro giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo căn bản của lạm phát, của Trung Quốc năm 2015 tăng 1,4%, trong khi mức tăng của năm 2014 là 2% và 2013 là 2,6%.

Con số lạm phát của năm ngoái là thấp nhất trong sáu năm và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% mà chính phủ đề ra.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc có xu hướng tăng dần trong quý 4, với CPI tăng 1,6% vào tháng 12, so với mức tăng 1,5% của tháng 11 và 1,3% của tháng 10/2015, chủ yếu nhờ giá thực phẩm tăng do mưa và tuyết ảnh hưởng tới sản xuất.

Trong khi đó, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI), thước đo giá của hàng hóa khi xuất xưởng, giảm 5,2% trong năm 2015, trong khi mức giảm của năm 2014 là 1,9%.

Trong tháng 12/2015, PPI giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với tháng 11 và là tháng giảm thứ 46 liên tiếp, do giá nhiên liệu và kim loại giảm.

Nhà kinh tế Tom Orlik của Bloomberg cho rằng việc CPI tăng trong hai tháng liên tiếp đã làm giảm phần nào lo ngại tình trạng giảm phát trong lĩnh vực sản xuất sẽ lan sang lĩnh vực tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông cảnh báo đà giảm PPI trong tháng 12 không đổi cho thấy sản lượng công nghiệp có thể tiếp tục ở mức thấp, trong khi đã đuối hơn so với mức cao của cuối năm 2014.

Còn theo nhà phân tích Qu Hongbin của HSBC, các số liệu trên cho thấy sức ép giảm phát gia tăng do nhu cầu yếu sẽ gây ra rủi ro lớn trong năm 2016. Ông kêu gọi về việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và những cải cách về phía nguồn cung để ngăn chặn rủi ro giảm phát và giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.

Ông dự đoán sẽ có hai lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2016, với mức giảm tổng cộng 50 điểm cơ bản, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nỗ lực giảm chi phí vay mượn.

Rủi ro giảm phát là là một cái bẫy mà ở đó giá giảm làm mất động lực của nền kinh tế khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu và đầu tư để chờ giá giảm thêm.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn thận trọng sau trường hợp của Nhật Bản, khi đồng tiền mạnh, hệ thống ngân hàng méo mó và chính sách tiền tệ lúng túng đã khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ trong nhiều thập niên.

Trước rủi ro đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ xuống giá hơn 6% so với đồng USD kể từ tháng 8/2015, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể giúp ngăn chặn giảm phát đến từ việc giá hàng hóa giảm trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục