Kinh tế Trung Quốc gặp khó với "ba nhiệm vụ bất khả thi"

Trung Quốc đang gặp khó khăn khi chính phủ nước này vừa muốn kiểm soát tỷ giá hối đoái và các chính sách tiền tệ, vừa muốn tiến tới tự do hóa hơn các dòng vốn.
Kinh tế Trung Quốc gặp khó với "ba nhiệm vụ bất khả thi" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: latimes.com)

Những nỗ lực nhằm đẩy mạnh quá trình cải cách kinh tế và “thả lỏng” hệ thống tiền tệ của Chính phủ Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, khi nước này phải đối mặt với làn sóng rút vốn ồ ạt trước những lo ngại về tình hình tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh đang vướng vào một thử thách mang tên “ba nhiệm vụ bất khả thi” khi chính phủ vừa muốn kiểm soát tỷ giá hối đoái và các chính sách tiền tệ, vừa muốn tiến tới tự do hóa hơn các dòng vốn.

Theo Bloomberg Intelligence, có khoảng 1.000 tỷ USD tiền vốn đã rút khỏi Trung Quốc trong năm 2015.

Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, con số này đã lên đến gần 160 tỷ USD.

Sự "chảy máu vốn" diễn ra trong bối cảnh những bất ổn trên các thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư mất niềm tin vào đồng nhân dân tệ.

Mark Williams, chuyên gia kinh tế châu Á thuộc hãng cung cấp các dịch vụ nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ tâm lý hoài nghi ngày càng gia tăng về khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương) sẽ giữ đồng nhân dân tệ ổn định.

Kể từ đầu tháng Một, đồng nhân dân tệ đã giảm 1,3% giá trị so với đồng USD, sau khi để mất đến 4,5% trong năm 2015.

Đây là hậu quả của việc Bắc Kinh bất ngờ hạ giá đồng nhân dân tệ hồi tháng Tám năm ngoái, gây ra hiện tượng thoái vốn trên các thị trường tài chính.

Ngoài ra, động thái nâng lãi suất sau gần một thập niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng là yếu tố khiến đồng nhân dân tệ mất giá.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra gần đây ở Davos, nhà tài phiệt George Soros cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới và viễn cảnh nước này phải “hạ cánh cứng” là không thể tránh khỏi, trong bối cảnh giảm phát và nợ chính phủ tăng cao.

Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 780,34 tỷ nhân dân tệ (tương đương 120 tỷ USD) vào ngành nông nghiệp của nước này trong năm 2015, tăng gấp đôi so với con số của năm 2014.

Số tiền trên sẽ được đầu tư để hiện đại hóa ngành nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục