Những thiếu sót trong dự đoán của các nhà kinh tế, đáng chú ý nhất là việc giới chuyên gia không tiên lượng được nguy cơ khủng hoảng tiền tệ toàn cầu năm 2008, là điều thực tế đã xảy ra.
Đôi khi những dự đoán có thể diễn ra chính xác trên thực tế, nhưng không phải lúc nào cũng là quan điểm chung của đa số chuyên gia.
Có một kịch bản là sang năm 2015, nền kinh tế đang èo uột hiện nay của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tăng trưởng tương đương mức của Trung Quốc.
Kịch bản tuy khó tin này nhưng không thể loại trừ, trước xu hướng biến động mạnh của giá dầu thế giới hiện nay, sự khác biệt trong chính sách của các ngân hàng trung ương, gánh nặng nợ công trên thế giới ngày một tăng, cùng diễn biến khó kiểm soát của các nền kinh tế và thị trường tài chính.
Kịch bản này có thể xảy ra nếu hai trong số những dự đoán được theo dõi sát sao nhất hiện nay “trúng đích.” Một là ngân hàng đầu tư JP Morgan dự kiến tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể lên tới 2%, trong khi dự đoán của công ty tư vấn Fathom Counsulting (có trụ sở ở London, Anh) cho rằng bong bóng bất động sản và tín dụng của Trung Quốc có thể đổ vỡ, làm giảm nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống còn 2%.
Những dự đoán "phổ biến" nhất đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2015 là đồng USD mạnh hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và các chính phủ khác tăng, kinh tế Mỹ "khỏe" lên, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục tăng, và ngân hàng trung ương các nước sẽ thực hiện tất cả mọi biện pháp để ngăn chặn nguy cơ thiểu phát chuyển thành giảm phát.
Dưới đây là một số kịch bản “ngược dòng” đối với tình hình kinh tế thế giới trong năm 2015:
1. Trung Quốc khủng hoảng
Bong bóng tín dụng của Trung Quốc đổ vỡ và núi nợ sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn diện của ngành ngân hàng nước này. Nền kinh tế Trung Quốc - được Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2015 - sẽ giảm tốc còn 2%. Fathom Consulting cho rằng khả năng kịch bản này xảy ra là 35%.
2. Eurozone "bừng sáng"
Eurozone cuối cùng sẽ thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay nhờ cú hích từ giá dầu thấp kỷ lục, đồng euro giảm giá, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và xu hướng mạnh lên của hệ thống ngân hàng nước này.
Tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ nhích lên 2% - một kịch bản mà JPMorgan nhận định nhiều khả năng sẽ xảy ra. Mặc dù vậy, JPMorgan chỉ dự báo tăng trưởng Eurozone ở mức 1,6%, vẫn lạc quan hơn con số 1,1% theo kết quả điều tra của hãng tin Anh Reuters với sự tham gia của hơn 50 nhà kinh tế.
3. Lợi suất trái phiếu của Đức tăng
Morgan Stanley dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức trong năm 2015 có thể tăng lên 1,35% từ mức thấp kỷ lục 0,69% hồi tháng 11/2014. Trái phiếu Đức đã cho thấy mức độ sai lệch trong dự báo của phần lớn các nhà kinh tế: cách đây một năm, giới phân tích cho rằng lợi suất trái phiếu Đức sẽ đạt 2,5% vào cuối năm 2014.
4.Vương quốc Anh bị chia tách
Vào tháng 5/2015, Vương quốc Anh sẽ bước vào cuộc tuyển cử, trong khi Thủ tướng David Cameroon dự kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nếu Đảng Bảo thủ của ông giành thắng lợi. Và vấn đề độc lập của Scotland sẽ lại nổi lên nếu Đảng Dân tộc Scotland mạnh lên.
5.Đồng USD giảm giá
Hầu như quan điểm thống nhất trên các thị trường tài chính toàn cầu cho rằng năm 2015 là giai đoạn mà đồng USD sẽ tăng mạnh. Đồng USD đã tăng 11% trong năm 2014, ghi dấu một năm tốt thứ ba trong ba thập niên qua của đồng tiền này. Liệu đã đến lúc tạm nghỉ?/.