Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 6 năm qua nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở khu vực này.
Theo số liệu công bố ngày 21/4 của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu IHS Markit, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Eurozone trong tháng này đã đạt 56,7 điểm, cao hơn so với mức 56,4 điểm của tháng trước đó, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.
IHS Markit đánh giá nền kinh tế khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này đã và đang chứng tỏ sức bật khá tốt trên mọi phương diện.
[Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone xuống mức thấp nhất trong hơn 7 năm]
Đáng chú ý, số người có việc làm mới đã tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua khi các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ vốn đóng một vai trò then chốt trong hoạt động kinh tế của khu vực này trong tháng 4 cũng tăng lên 56,2 điểm, từ mức 56 điểm của tháng 3 vừa qua.
Cùng thời điểm này, chỉ số quản lý sức mua đối với ngành sản xuất của Eurozone cũng tăng mạnh từ 57,5 điểm lên 58 điểm.
Ngoài ra, lĩnh vực xuất khẩu cũng chứng kiến bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đồng euro yếu, một phần do sự kiện Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, áp lực giá cả và tỷ lệ lạm phát trong Eurozone những năm qua vẫn liên tục ở mức cao.
Chuyên gia kinh tế Chris Williamson thuộc IHS Markit cho biết báo cáo PMI tháng 4 của công ty này dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quý 2 năm nay, tăng so với mức 0,6% trong 3 tháng trước đó.
Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà kinh tế sẽ phải điều chỉnh tăng đối với các dự báo kinh tế của mình trong năm 2017.
Ông Williamson cũng không loại trừ khả năng dự báo tăng trưởng trên có thể thay đổi do tác động ngắn hạn từ cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, ông đánh giá cao việc Pháp và Đức, 2 nền kinh tế đầu tàu EU, ghi nhận mức tăng tưởng mạnh mẽ nhất trong 6 năm qua, trong khi một số quốc gia khác cùng khu vực thậm chí còn đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục trong gần 10 năm trở lại đây.
PMI là chỉ số tổng hợp nhằm đánh giá khái quát về sự sẵn sàng đầu tư cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi PMI dưới 50 điểm đồng nghĩa nền kinh tế giảm sút, ngược lại trên 50 điểm có nghĩa nền kinh tế phát triển./.