Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần sau 20 năm

Theo Tổng Giám đốc Vinatex, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần, từ mức khởi điểm năm 1995 chỉ là 850 triệu USD đã vươn lên và đạt trên 27 tỷ USD trong năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần sau 20 năm ảnh 1Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng hơn 32 lần sau 20 năm (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động ​do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức sáng nay (26/12) tại Hà Nội, lãnh đạo Vinatex cho biết, sau 20 năm ngành dệt may Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần, từ mức khởi điểm năm 1995 chỉ là 850 triệu USD đã vươn lên và đạt trên 27 tỷ USD trong năm 2015.

Đáng chú ý, Dệt may Việt Nam cũng tạo chỗ đứng vững chắc tại các thị trường lớn, trong đó xuất khẩu đứng thứ hai ở thị trường Mỹ và Nhật Bản.

"Hiện ngành dệt may đang đứng trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới," ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần sau 20 năm ảnh 2Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường đang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn và đón nhận danh hiệu Anh hùng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với Vinatex, dù xuất khẩu chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch chung của ngành dệt may, nhưng chặng đường 20 năm đã đánh dấu bước thay đổi tích cực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Theo ông Lê Tiến Trường, sau cổ phần, Vinatex đã từng bước đổi mới mô hình quản lý Nhà nước sang mô hình tập đoàn cổ phần và đề ra nhiều giải pháp chiến lược giúp Vinatex vững vàng trước cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP và các FTA khác mang lại.

Hiện tỷ lệ nội địa hóa trong Tập đoàn đạt mức 52% và tỷ lệ hàng sản xuất gia công đang giảm dần, trong khi năng lực sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất) ngày càng được nâng cao, hiện đạt 8%.

Kết quả, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn tập đoàn ước đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 52.655 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014 và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.350 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thuộc Vinatex như: Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ; Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến; Tổng Công ty May 10; Tổng Công ty Đức Giang... đều là những thương hiệu lớn đang góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam nâng cao năng vị thế trong ngành dệt may thế giới cũng như tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Giai đoạn 2016-2020 Vinatex sẽ là tổ hợp doanh nghiệp có khả năng cung cấp giải pháp trọn gói từ thiết kế đến tất cả các khâu của quá trình sản xuất trong ngành dệt may," ông Lê Tiến Trường nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục