“Không thể duy trì sản phẩm thời kỳ bao cấp trong kinh tế thị trường"

"Quy định về doanh nghiệp nhà nước tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là bước lùi. Bởi, Dự thảo Luật lần một đã nêu rất rõ cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh..."
“Không thể duy trì sản phẩm thời kỳ bao cấp trong kinh tế thị trường" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Quy định về doanh nghiệp nhà nước tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (lần 4) là một bước lùi so với Dự thảo (lần 1). Bởi trước đó, Dự thảo Luật đã nêu rất rõ quan điểm cần phải có một cơ quan quản lý độc lập, tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi công việc quản lý kinh doanh và không để cơ chế chủ quản như hiện nay.”

Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà Quản trị Việt Nam nhấn mạnh việc Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thiết phục hồi Điều 172-Dự thảo (lần 1) với quy định về Nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Bước lùi…


- Quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước xảy ra nhiều bất cập, một phần do khuôn khổ pháp lý và quy định hiện tại còn khá phức tạp, thiếu nhất quán. Vậy theo ông, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này có khắc phục được những vấn đề trên?

Ông Vũ Xuân Tiền: Về hướng dẫn áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật “Mối quan hệ giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và người đại diện theo ủy quyền trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện theo quy định tương ứng của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, " là một bước lùi.

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần có quy định về mô hình đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ngay tại điều này hay phục hồi Điều 172 Dự thảo (lần 1) quy định về nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Bởi, việc quy định mô hình đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước liên quan đến rất nhiều vấn đề trong quản trị doanh nghiệp và không chỉ đơn thuần là vấn đề quản lý vốn.

Theo tôi, không thể tiếp tục duy trì cơ chế chủ quản, “sản phẩm” của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong kinh tế thị trường.

Do đó, Luật sửa đổi cần quy định rõ "cơ quan chủ sở hữu không được trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách; không được trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác" để ngăn chặn tình trạng tiếp tay cho độc quyền, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp (loại hình khác) như đang xảy ra hiện nay.

Các bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ ban hành chính sách, thì lúc đó mới thoát được tình trạng “ vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay, những doanh nghiệp về giao thông do Bộ giao thông quản lý, doanh nghiệp về công thương thì giao bộ Công thương quản lý…

“Không thể duy trì sản phẩm thời kỳ bao cấp trong kinh tế thị trường" ảnh 2Hình minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tạo “đất” cho lợi ích nhóm

- Nếu vẫn còn cấp chủ quản quản lý doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành của mình, liệu dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có kham nổi những bất cập ở trên?

Ông Vũ Xuân Tiền: Trên thực tế có thể thấy, như Bộ Công Thương đã làm thay rất nhiều việc cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, “chịu trận” cho tất cả các vấn đề “lình xình” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,…

Bộ mà bênh vực cho doanh nghiệp của mình, bỏ qua chức năng quản lý nhà nước, thậm chí còn thay mặt cho các doanh nghiệp của mình… thì đó là điểm yếu lớn nhất.

Từ những vấn đề trên có thể dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm.

Các bộ tự nhiên mất quyền quản lý doanh nghiệp của ngành thì đương nhiên họ không muốn rồi.

Nếu đứng trên lợi ích của quốc gia, như ở các nước khác vẫn thường làm thì phải thấy xu hướng các doanh nghiệp nhà nước mặc dù tồn tại nhưng nó sẽ nhỏ dần đi, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng sẽ càng ngày càng ít đi.

Hiện, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu phấn đấu còn khoảng 400 doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dịch vụ xã hội, chứ không phải từ dệt may, ô-tô, thậm chí xe đạp… cũng do doanh nghiệp nhà nước đảm nhận, cái đó phải trả cho dân làm.

Trước đây ,vấn đề này đã được đưa vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhưng bây giờ lại chuyển sang một Luật khác và nói về quản lý vốn chứ không nói về cơ chế quản lý và nếu như việc này lại để Chính phủ quy định thì tất nhiên những bất cập như trước kia sẽ quay trở lại.

Điều kiện kinh doanh phải do Quốc hội thực hiện

- Điều kiện kinh doanh vẫn được quy định tại các pháp lệnh, nghị định, thông tư..., trong khi Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thống kê “một rừng” 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 235 văn bản pháp luật, ông đánh giá như thê nào về vấn đề này?

Ông Vũ Xuân Tiền: Để giải quyết vấn đề này, theo tôi tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật cần phải sửa “Điều kiện kinh doanh là.... được quy định tại Luật, Pháp lệnh do Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.”

Thực chất việc quy định các điều kiện kinh doanh là hạn chế quyền kinh doanh của công dân.

Hiện nay, điều kiện kinh doanh ra đời rất ồ ạt và nếu giao cho cơ quan hành pháp cấp Chính phủ ban hành thì đương nhiên các cơ quan này sẽ có xu hướng quy định chặt chẽ, để tạo thuận lợi nhất cho việc quản lý của họ. Như vậy, hàng loạt giấy phép con sẽ ra đời, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Do đó, những quy định về điều kiện kinh doanh phải do Quốc hội thực hiện. Trong trường hợp, điều kiện kinh doanh đã quy định cần phải thay đổi nhưng chưa thể sửa Luật hoặc Pháp lệnh có liên quan, có thể giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa điều kiện kinh doanh bằng một Nghị quyết./.


Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục