Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tổ chức công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thế nhưng sau gần một năm luật có hiệu lực, chỉ duy nhất có một cuộc khởi kiện doanh nghiệp do tổ chức công đoàn đứng ra thực hiện. Trong khi đó, tính đến hết tháng 10, số nợ các loại bảo hiểm đã lên đến hơn 14.200 tỷ đồng với hàng trăm nghìn người lao động đang bị ảnh hưởng quyền lợi.
Khởi kiện doanh nghiệp “có tóc” trước
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 16/11, hai cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã bàn bạc cùng tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 10 tháng, chỉ tính riêng tổng số nợ bảo hiểm xã hội là 9.550 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ bảo hiểm xã hội thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm tới 72% số tiền nợ. Do đó, để đạt được kế hoạch thu thì phải giảm số nợ bảo hiểm xã hội thời gian dài xuống thông qua biện pháp khởi kiện doanh nghiệp.
Việc chậm khởi kiện khiến cho tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội đang gia tăng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được thực hiện từ phía Tổng liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhưng tới nay mới có duy nhất Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tiến hành thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp vào tháng Sáu vừa qua.
Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi kiện 10 doanh nghiệp, đầu tháng 12, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng sẽ bắt đầu gửi hồ sơ sang toà án để thụ lý vụ án.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình khởi kiện, ông Trương Ngọc Hùng cho rằng việc tổ chức khởi kiện không gặp rắc rối, nhưng cái khó nhất là phải chọn được những doanh nghiệp có tiềm lực để khởi kiện thu hồi số nợ, còn đối với những doanh nghiệp chỉ còn trên giấy tờ, doanh nghiệp “chết lâm sàng” thì có khởi kiện cũng không có khả năng thi hành án. Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp nợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi sang thì chủ yếu là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc “chết lâm sàng”.
Trước khó khăn của địa phương, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nên ưu tiên lựa chọn khởi kiện những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 3 tháng và có khả năng thi hành án trước, sau đó mới tính đến những doanh nghiệp còn lại.
“Tôi đã thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội, danh sách doanh nghiệp nợ, chậm đóng gửi sang Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố có thể nhiều nhưng phải chọn lọc những ‘ông có tóc’ tập trung khởi kiện trước, chứ không chọn ‘ông trọc đầu’, “ ông Mai Đức Chính nói.
Chưa làm đừng kêu... khó
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn 15 tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Quá trình thực hiện xây dựng quy trình, hồ khởi khởi kiện, các địa phương phản ánh gặp nhiều vướng mắc về việc không có đơn ủy quyền của người lao động, chưa rõ quy trình khởi kiện, thiếu kinh phí khởi kiện, nhân lực, thuê luật sư...
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, sau khi tiếp nhận hồ sơ số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, do đấy là tranh chấp về quyền lợi nên đơn vị chưa khởi kiện thẳng ra tòa mà tìm các phương án hòa giải, báo cáo Uỷ ban Nhân dân trước rồi mới hoàn thiện hồ sơ gửi ra toà án chứ chưa khởi kiện ngay được.
Trước những phản ánh của địa phương, ông Mai Đức Chính lưu ý hiện nay Liên đoàn lao động các địa phương chưa khởi kiện nhưng đã sợ khó khăn, vướng mắc.
“Trước mắt, tôi yêu cầu Liên đoàn Lao động các tỉnh mạnh dạn chuyển hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện. Trường hợp tòa án không thụ lý thì yêu cầu có văn bản giải thích nguyên nhân. Nếu vướng ở đâu thì các địa phương báo lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có đơn kiến nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng hướng dẫn khởi kiện đúng trình tự pháp luật,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Ông Mai Đức Chính cũng cho rằng, ngoài 15 địa phương được giao thí điểm thực hiện khởi kiện, các địa phương còn lại cũng chủ động xây dựng hồ sơ khởi kiện. Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố không nên chờ công đoàn cơ sở uỷ quyền mà nên chủ động khởi kiện.
“Chúng ta phải tiến hành khởi kiện mới biết được vướng mắc ở đâu. Hiện nay, quy định cho phép tổ chức công đoàn khởi kiện thẳng lên toà án doanh nghiện nợ bảo hiểm xã hội. Trong khi thành phố Đã Nẵng đã tiến hành khởi kiện thẳng ra toà án và không gặp bất cứ khó khăn về thủ tục, các tỉnh chưa làm mà đã kêu vướng,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Trong tháng 12 tới, 15 địa phương sẽ bắt đầu tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Việc khởi kiện hứa hẹn sẽ tạo nên những tín hiệu tích cực trong việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động./.