Khó xây dựng thương hiệu lúa gạo nếu liên tục đưa ra nhiều giống mới

Ngành hàng lúa gạo sẽ rất khó xây dựng thương hiệu nếu Việt Nam liên tục đưa ra các giống mới, do đó chiến lược mới trong chọn tạo giống bằng cách tiến hành cải tiến trên nền giống vốn có.
Khó xây dựng thương hiệu lúa gạo nếu liên tục đưa ra nhiều giống mới ảnh 1Các sản phẩm gạo được bày bán trên thị trường. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngành hàng lúa gạo sẽ rất khó xây dựng thương hiệu nếu Việt Nam liên tục đưa ra các giống mới. Do đó, ngành nông nghiệp đang hình thành một chiến lược mới trong chọn tạo giống bằng cách tiến hành cải tiến những đặc tính, những nhược điểm trên nền các giống cũ đã có thương hiệu, được bà con nông dân chấp nhận trồng trên diện tích lớn để tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm được nhấn mạnh tại cuộc họp về Hợp tác phát triển ngành hàng lúa gạo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), được tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội.

Chiến lược mới trong chọn tạo giống

Theo Giáo sư Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều giống lúa mới và những giống mới sau khi nghiên cứu đương nhiên sẽ phủ nhận những giống lúa cũ, người nông dân sẽ lựa chọn đa dạng các loại giống.

Điều này dẫn đến việc ngành hàng lúa gạo sẽ rất khó xây dựng thương hiệu nếu các nhà khoa học liên tục đưa ra những giống mới.

“Vì vậy, chúng tôi đang hình thành một chiến lược mới là từ những giống đã có thương hiệu, được người nông dân chấp nhận áp dụng trồng trên diện tích lớn nhưng vẫn tồn tại những nhược điểm ví dụ như không kháng mặn, không kháng ngập, hay nhiễm một số bệnh như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá thì chúng tôi cải tiến những đặc tính đó.

Nhưng đồng thời giữ nguyên các đặc tính nông sinh học của nó, kể cả chất lượng gạo. Vì vậy thương hiệu gạo, thương hiệu giống không thay đổi. Đây là chiến lược mới chúng tôi đã cùng các nhà khoa học IRRI làm trong thời gian qua,” Giáo sư Lê Huy Hàm nêu rõ.

Dẫn chứng cụ thể, Giáo sư Lê Huy Hàm cho hay, các giống chịu mặn, chịu ngập được đưa sử dụng trong thời gian vừa qua không phải là các giống mới mà dựa trên nền giống cũ là giống Khang Dân (giống không chịu mặn, không chịu ngập) sau đó đưa gen chịu mặn, chịu ngập vào thì đó vẫn là giống Khang Dân nhưng tính chịu mặn, chịu ngập cao hơn; hay vẫn là giống Bắc Thơm nhưng tính kháng bệnh bạc lá được nâng cao hơn khi ghép thêm gen kháng bệnh.

“Đây là một chiến lược chọn tạo giống mới mà chúng tôi gọi là các giống kháng đa yếu tố cần thiết và quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu,” Giáo sư Lê Huy Hàm chia sẻ.

Phải có giống kháng đa yếu tố

Viện Trưởng Lê Huy Hàm cũng nhận định thêm, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và cây lúa sẽ là ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên. Cây lúa là cây chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì cây lúa là cây được trồng hầu khắp ở các vùng của Việt Nam.

“Và từ trước đến nay, chúng ta chỉ chọn tạo giống lúa kháng một vài loại sâu bệnh thôi nhưng nếu trong điều kiện biến đổi khí hậu xảy ra thì sâu bệnh cũng xảy ra thất thường. Vì thế để an toàn cho sản xuất thì chúng ta phải có giống kháng đa yếu tố, kháng nhiều sâu bệnh cùng một lúc, kháng mặn, kháng ngập… thì chúng ta sẽ giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo cho sản xuất bền vững hơn,” Giáo sư Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

Khó xây dựng thương hiệu lúa gạo nếu liên tục đưa ra nhiều giống mới ảnh 2Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, phía Việt Nam mong muốn có những hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa với IRRI. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Phát biểu tại cuộc họp sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đề nghị mong muốn nhận được sự hợp tác từ phía IRRI trong việc phát triển ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, mối quan hệ hợp tác giữa IRRI và Việt Nam đã tạo ra các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực bao gồm chọn tạo giống lúa năng suất cao và giống thích ứng với tác động tiêu cực của khí hậu, hệ thống canh tác lúa bền vững. Bảo tồn đa dạng nguồn gen lúa với khoảng 3000 giống lúa của Việt Nam được lưu giữ và bảo tồn tại Ngân hàng gen lúa của IRRI và phòng trừ sâu bệnh hại.

Bên cạnh đó, quá trình hợp tác cũng góp phần nâng cao chất lượng và giá trị gạo; nông nghiệp thông minh với biển đổi khí hậu trong canh tác lúa, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng năng lực với hơn 850 học viên thạc sỹ, tiến sỹ  và lượt cán bộ nghiên cứu Việt Nam được đào tạo và tập huấn tại IRRI.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chọn tạo giống lúa theo định hướng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp muốn có giống lúa thực sự mang lại giá trị cao cho người sản xuất và bền vững lâu dài, chứ không phải là theo chiều hướng tạo nhiều giống lúa mới áp dụng một vài vụ sau đó không ai sử dụng nữa.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề xuất thay đổi cách hợp tác chọn tạo giống với IRRI. “Chúng ta đơn giản không chỉ gửi nguồn gen cho nhau mà phía Việt Nam mong muốn có những hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Tổng Giám đốc IRRI Matthew Morell cũng cam kết, phía IRRI sẽ hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam giảm thiểu khoảng cách năng suất và giảm đầu vào, nâng cao chất lượng gạo đồng thời tạo kênh liên kết nông dân với thị trường, xây dựng thương hiệu và đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.

“Mặt khác, nhằm nâng cao giá trị, giảm thất thoát, các nghiên cứu của IRRI sẽ hỗ trợ nông dân và các nhà chế biến gạo sấy và chế biến gạo, tối ưu hóa nguồn cung cấp và chất lượng của gạo thành phẩm. Sử dụng công nghệ radar và mô hình năng suất lúa để dự đoán chính xác sản lượng lúa,” Tổng Giám đốc IRRI Matthew Morell khẳng định.

Trước cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh và Tổng Giám đốc IRRI Matthew Morell đã cùng cắt băng khánh thành Trụ sở mở rộng của Văn phòng IRRI Việt Nam và Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS). Văn phòng được đặt tại Viện Di truyền nông nghiệp (AGI).

Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) là tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới hoạt động tích cực trong công cuộc giảm đói nghèo thông qua các nghiên cứu về khoa học lúa gạo; cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người nông dân trồng lúa.

Với sự cộng tác với các cơ quan đối tác trong nước, IRRI đã và đang phát triển các giống lúa tiên tiến có năng suất cao hơn và có khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn với sâu hại và các điều kiện khắc nghiệt. Hơn một nửa diện tích lúa ở Châu Á được trồng từ các giống có nguồn gốc từ IRRI.

IRRI là một tổ chức nghiên cứu và giáo dục hoạt động độc lập và phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1960 bởi quỹ Ford và Rockelle cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ Philipines, có văn phòng tại 20 quốc gia và có khoảng hơn 1.000 nhân viên./.
Chiến lược mới trong chọn tạo giống lúa hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục