Những bản sách này chứa đựng những thông tin kèm theo về đời sống của cuốn sách gắn liền với tác giả và độc giả đặc biệt.
33 bản in đặc biệt khác với các bản in thường, vì sách được in trên giấy đẹp, có đánh số thứ tự hoặc có đánh ký tự riêng để tạo dấu ấn. Trong bản in đặc biệt đó có chữ ký, dấu triện hoặc thủ bút của tác giả đề tặng. Giới chơi sách quý rất thích thú khi tìm được những quyển sách này vì nó mang một giá trị riêng biệt.
Rất nhiều cuốn sách quý được lưu giữ còn nguyên vẹn. Tập kỷ yếu kỷ niệm 350 năm ngày sinh Alexandre de Rhodes (1591-1666), in tại Hà Nội năm 1941 (chỉ in 200 quyển) bằng tiếng Pháp thuộc loại cực hiếm vì cũng còn lại rất ít; tác phẩm “Lều chõng” bản đặc biệt in trên giấy dó năm 1941 có chữ ký của tác giả Ngô Tất Tố, được bảo quản nguyên vẹn cả hộp; quyển Việt Nam cổ văn học sử trên giấy dó năm 1942, có chữ ký của tác giả Nguyễn Đổng Chi; quyển "Khảo cứu về sự nghiệp Phan Đình Phùng" do nhà Đại La in năm 1945, có chữ ký của tác giả Đào Trinh Nhất; bộ "Nho giáo" hai tập bản đặc biệt in lần đầu, trên giấy dó vào năm 1932... "Đại Việt sử ký toàn thư," Nhượng Tống dịch, in 1945 trên giấy dó, có đánh số... khiến người xem không khỏi trầm trồ.
Ngoài những bản in trên, người xem cũng lần đầu tiên được chiêm ngưỡng các bản đặc biệt của sách in tại miền Nam trước 1975 như hai tập thơ của Vũ Hoàng Chương gồm "Vân muội," xuất bản 1971, và Thi tuyển Vũ Hoàng Chương, xuất bản 1963.
Cả hai bản đều có bút tích của tác giả. Kỷ niệm văn thi sỹ hiện đại của Bàng Bá Lân, xuất bản năm 1969, có bút tích của tác giả; tập thơ Đường vào tình sử của Đinh Hùng, bản đặc biệt in năm 1961 có chữ ký và thủ bút Đinh Hùng tặng Nguyễn Đình Toàn…
Bác Lê Trọng Sâm, năm nay 86 tuổi, sau khi xem các bản in đánh giá: “Công đầu phải thuộc về những nhà sưu tập. Không có họ, chúng ta sẽ không thể xem tận mắt những tư liệu quý giá này. Mỗi quyển sách nó chứa đựng nhiều thông tin về đời sống bên lề của tác giả và độc giả. Thực sự nó chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử… và càng ngày càng quý giá”.
Nhà sưu tập Phạm Thị Thu, chủ nhân của cuốn “Lều chõng” bản đặc biệt in trên giấy dó năm 1941 có chữ ký của tác giả Ngô Tất Tố chia sẻ: “Cuộc trưng bày lần này, chúng tôi muốn đem những cuốn sách quý để công chúng tận mắt nhìn thấy một dòng sách riêng, từng làm nên một thú chơi tao nhã là tìm kiếm, giữ gìn những bản in đặc biệt của sách qua nhiều thế hệ. Đây cũng là cái tâm mà của chúng tôi muốn góp phần lưu giữ những nét tin hoa của dân tộc.”
Trong đợt trưng bày lần này, Ban tổ chức cũng bán đấu giá sách gây quỹ từ thiện “Một quyển sách-một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung.”