Khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á về thành phố môi trường bền vững

Hội nghị khai mạc tại Hà Nội ngày 3/3, nhằm chia sẻ kinh nghiệm giúp quốc gia thành viên hành động hiệu quả hơn trong việc duy trì mạng lưới thành phố môi trường bền vững.
Khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á về thành phố môi trường bền vững ảnh 1 Thành phố Hạ Long đã được nhận giải thưởng về Thành phố môi trường bền vững của ASEAN năm 2008. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 3/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7 về Thành phố môi trường bền vững. Tham dự Hội nghị có đại diện các nước: Nhật Bản, Campuchia, Mỹ, Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý chính sách đến từ các quốc gia Đông Á.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7 về Thành phố môi trường bền vững được tổ chức tại Việt Nam lần này diễn ra, trong bối cảnh thế giới vừa có nhiều sự kiện quan trọng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đặc biệt là Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đã được 195 quốc gia thông qua với cam kết cụ thể giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tăng nhiệt độ của Trái đất. Những cam kết này đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia trong công tác bảo vệ môi trường nói chung cũng như việc xây dựng các thành phố môi trường bền vững nói riêng.

Hội nghị cấp cao lần thứ 7 đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Đông Á đối với vấn đề thành phố môi trường bền vững, cụ thể là các hoạt động hợp tác được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú và chú trong hơn các hoạt động đi vào thực chất.

Trong hai ngày làm việc của Hội nghị (3-4/3), các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm từ đó sẽ giúp cho các quốc gia thành viên hành động có hiệu quả hơn trong việc thành lập và duy trì một mạng lưới thành phố bền vững của khu vực.

Các đại biểu cũng sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận định hướng mới của các hoạt động trong khuôn khổ các hội nghị tiếp theo nhằm tích hợp toàn diện các thách thức đối với vấn đề phát triển của các thành phố, bao gồm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước, sức khỏe môi trường…Qua đó góp phần tích cực vào việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững nói chung và xây dựng thành phố bền vững nói riêng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình Mô hình Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Một số thành phố của Việt Nam đã tham gia Chương trình này như Đà Nẵng, Đà Lạt, Cao Lãnh.

Cho đến nay đã có 3 thành phố của Việt Nam đã được nhận giải thưởng về Thành phố môi trường bền vững của ASEAN như Hạ Long (2008), Đà Nẵng (2001) và Huế (2014).

Trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng Ngân hàng phát triển Châu Á xây dựng đề xuất dự án Thành phố bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm tăng cường năng lực về thể chế, chính sách và đầu tư giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu tại các đô thị trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục