IMF khẳng định tầm quan trọng của chiến lược xóa nợ cho Hy Lạp

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định châu Âu cần cung cấp các biện pháp xóa nợ "đáng tin cậy" cho Hy Lạp trước khi tổ chức này có thể hỗ trợ tài chính thêm cho Athens.
IMF khẳng định tầm quan trọng của chiến lược xóa nợ cho Hy Lạp ảnh 1Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế Paul Thomsen tại một hội nghị ở Athens, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định châu Âu cần cung cấp các biện pháp xóa nợ "đáng tin cậy" cho Hy Lạp trước khi tổ chức này có thể hỗ trợ tài chính thêm cho Athens.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF ngày 2/5 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp cải cách mới, liên quan đến cải cách lao động, năng lượng, cắt giảm quỹ hưu trí và tăng thuế, nhằm nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho quốc gia này.

Phát biểu tại họp báo ngày 2/5, Giám đốc Vụ châu Âu của IMF Poul Thomsen cho rằng việc hai bên đạt được thỏa thuận cần đi đôi với một chiến lược uy tín về việc làm thế nào để khôi phục khả năng thanh toán nợ cho Hy Lạp. Các cuộc thảo luận về cách thức giải quyết món nợ của Hy Lạp chỉ mới bắt đầu.

[Hy Lạp đạt được thỏa thuận sơ bộ với các chủ nợ về gói cứu trợ]

Ông nhấn mạnh IMF sẽ chỉ thảo luận về vấn đề hỗ trợ tài chính một khi có được chương trình với chính sách mạnh và các biện pháp xóa nợ tốt. Tuy nhiên, đây có thể vấn đề gai góc nhất trong các cuộc thương lượng với châu Âu, vốn do dự trong việc xóa thêm nợ cho Hy Lạp, đặc biệt là Đức- quốc gia không ủng hộ sự nhượng bộ.

Ông Thomsen khẳng định IMF sẵn sàng nhất trí về một thỏa thuận mà trong đó việc xóa nợ sẽ được đưa ra vào cuối thỏa thuận này và điều này còn phụ thuộc vào việc Hy Lạp có đáp ứng các mục tiêu hay không.

Ông nêu rõ ông sẽ phải đảm bảo với Ban giam đốc IMF rằng quỹ này và các đối tác châu Âu đều có chung quan điểm về các biện pháp được dùng để xóa nợ.

Quan chức này cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ mà IMF cho là cho phép chính sách tài chính trở nên thuận lợi hơn.

Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ euro (tương đương 3,8 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020. Athens thừa nhận việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói giảm nghèo.

Một nguồn tin từ Chính phủ Hy Lạp cho biết quỹ hưu trí sẽ bị cắt giảm trung bình khoảng 9%.

Dự kiến, thỏa thuận này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào trung tuần tháng 5 này trước khi được đưa ra cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào ngày 22/5 tới, như điều kiện để tiếp tục nhận được các khoản giải ngân mới.

Bộ trưởng Tsakalotos bày tỏ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trong cuộc họp này.

Hy Lạp đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 160% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Thỏa thuận mới này mở ra hy vọng giúp Athens có thể nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3, kịp thời thanh toán khoản nợ 7 tỷ euro (7,4 tỷ USD) có hạn chót vào tháng Bảy tới và một lần nữa tránh được nguy cơ mất khả năng thanh toán dẫn tới việc phải rời khỏi Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục