Tối 15/6, các chủ nợ chính của Hy Lạp gồm Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận để tái khởi động kế hoạch trợ giúp Hy Lạp với khoản giải ngân mới trị giá tới 8,5 tỷ euro, điều này cho phép Hy Lạp có thể trả nợ vào phút chót số tiền gần 7 tỷ euro đến kỳ đáo hạn vào giữa tháng Bảy tới.
Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem vui mừng thông báo các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhóm họp tại Luxembourg đã đạt được thỏa thuận toàn diện sau một cuộc họp có sự tham dự của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde.
Bà Lagarde đã ngay lập tức thông báo IMF sẽ tham gia kế hoạch trợ giúp cho Athens, quyết định này của IMF đã kết thúc những tháng dài bất đồng giữa các chủ nợ của Hy Lạp.
Thỏa thuận vừa được ký kết cho phép khởi động giai đoạn ba của chương trình trợ giúp cho Hy Lạp với số tiền lên đến 86 tỉ euro, vốn được ký kết từ năm 2015 nhưng bị giậm chân tại chỗ từ nhiều tháng qua vì những bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone, trong đó chủ yếu là Đức, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici đánh giá các bên đã thành công khi đạt được một thỏa thuận toàn diện để cho phép Hy Lạp chuyển sang một trang mới và kết thúc một giai đoạn vô cùng khó khăn với nền kinh tế nước này.
Từ nhiều năm qua, người Hy Lạp đã phải cắn răng chịu đựng những biện pháp cải cách khắc khổ và đầy đau đớn nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ.
Với kết quả này, dù trước mắt Hy Lạp chưa nhận được ngay các biện pháp giúp giảm nhẹ khoản nợ lớn chiếm tới 179% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) mà họ đề nghị từ nhiều tháng qua, nhưng Eurozone đã hứa hẹn sẽ mang lại cho nước này những biện pháp trợ giúp cụ thể trong tương lai.
Để đạt được thỏa thuận lần này, IMF đã chấp nhận hạ thấp các điều kiện của họ khi đưa ra lập trường nguyên tắc mở đường cho tổ chức tài chính quốc tế này tham gia chương trình hỗ trợ cho Hy Lạp.
Ý tưởng của IMF khá tương đồng với quan điểm của người Đức, nhưng tổ chức này cho biết họ kiên quyết không giải ngân một khi EU chưa đạt được quyết định giảm nợ cho Hy Lạp.
Trên một phương diện khác, IMF đồng ý lùi thời hạn các cuộc thương lượng về nợ của Hy Lạp. Đây cũng chính là điều mà Berlin không muốn đề cập trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng 9/2017 tại quốc gia đầu tàu kinh tế của Eurozone cũng như EU./.