Báo cáo từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong 5 năm (9/2009 đến 9/2014), ngân sách Nhà nước đã huy động được 654.493 tỷ đồng trái phiếu thông qua hình thức đấu thầu..
Trong số này, riêng Kho bạc Nhà nước huy động được 513.292 tỷ đồng.
Theo báo cáo, thị trường trái phiếu Chính phủ đã tăng trưởng bình quân 23% trong 5 năm và được đánh giá là có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á, cũng như khu vực ASEAN+3.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên giao dịch tăng 7,5 lần trong vòng 5 năm, từ mức 365 tỷ đồng/phiên (năm 2009) lên 2.734 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh số giao dịch thứ cấp so với giá trị trái phiếu Chính phủ lưu hành theo đó cũng tăng gấp 2,6 lần.
Từ ngày 24/8/2012, toàn bộ tín phiếu Kho bạc đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước được tập trung giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ, tạo thành một thị trường giao dịch thống nhất, cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng đầu tư về giao dịch của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và ngắn.
Theo thống kê từ HNX, thị trường trái phiếu Việt Nam bao gồm 25 thành viên đấu thầu và 54 thành viên giao dịch trên thị trường thứ cấp. Các ngân hàng thương mại đóng vai trò chính với tỷ trọng nắm giữ danh mục trái phiếu Chính phủ, đạt khoảng 86%, bên cạnh đó là các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, giai đoạn năm 2009-2010, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường rất dè dặt với tỷ trọng tham gia thị trường sơ cấp là 4% (năm 2009) và tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp là 18,5% (năm 2010).
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu Việt Nam, với tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp ổn định ở mức từ 20%–30%, giá trị trúng thầu và mức độ tham gia đấu thầu trên thị trường sơ cấp là 12%./.