Hoàn thành gấp quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng

Hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện các phương án quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng tuần tới.
Hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 1Các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tuần tới.

Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp để rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuộc họp diễn ra ngày 22/2 tại Trụ sở Chính phủ. Tham dự có lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Giao thông, Xây Dựng, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) đã trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính toán tất cả các phương án quy hoạch

7 phương án được chia thành 3 nhóm. Nhóm phương án thứ nhất là xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1800m, xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Phương án này có tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 ha mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 ha đất dân cư với khoảng 140 ngàn hộ dân.

Nhóm phương án thứ hai gồm 3 phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, nhà ga T3 ở phía Nam. Trong nhóm phương án này, phương án có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.961 tỷ đồng, cao nhất là 187.265 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.

Nhóm phương án thứ 3 gồm 3 phương án, không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía Bắc, phía Nam và cả hai phía Bắc-Nam của sân bay.

Tại các cuộc họp trước đó, phương án được cân nhắc lựa chọn là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc.

Phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24.52 hécta đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.

Tại cuộc làm việc ngày 9/2 , Phó Thủ tướng yêu cầu ADCC phải lập phương án 3B có cùng công suất với phương án 3 nhưng đầu tư xây dựng ở phía Bắc (khu vực sân golf, một số đơn vị Quốc phòng và nhà dân).

Tại cuộc họp này, ADCC đã có báo cáo chi tiết phương án này. Cụ thể, thay vì xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía Nam như phương án 3, sẽ xây dựng hoàn toàn ở phía Bắc đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L.

Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6050 hộ dân. Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10 đến 12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm.

Đánh giá về phương án này, đơn vị tư vấn DACC cho rằng, việc xây dựng khu hàng không dân dụng phía Bắc sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng hành khách ở phía Nam, giải quyết được vấn đề ùn tắc ở khu vực đường Trường Sơn.

Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khu bay do tàu bay phải cắt ngang đường cất hạ cánh và phải dịch ngưỡng hạ cánh ở đầu 25R, ảnh hướng rất lớn đến quốc phòng, an ninh do phải dịch chuyển và xây dựng mới đồng bộ các đơn vị quân đội bảo vệ Tân Sơn Nhất và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương án này ảnh hưởng đến quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh do phát sinh giao thông lớn ở phía Bắc sân bay và ảnh hưởng đến số lượng lớn dân cư. Ngoài ra, việc khai thác khu vực phía Bắc còn đòi hỏi phải xây dựng thêm các công trình kỹ thuật phục vụ máy bay, phục vụ hành khách nên không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía Nam.

Tại cuộc họp, các thành viên dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến để đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mạnh dạn giao doanh nghiệp đầu tư

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành thời gian qua; ghi nhận nỗ lực của ADCC trong việc khẩn trương xây dựng các phương án mở rộng quy hoạch một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ. Những phương án này sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân tích, đánh giá để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi đã rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, đã có đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp, đảm bảo nhu cầu của người dân, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải nhanh chóng giải toả ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hoá đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dung vốn nhà nước nhất. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, tuy phương án 3 là phù hợp, nhưng cần phải hoàn thiện thêm cùng với tất cả các phương án khác để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện các phương án quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tuần tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Với các hạng mục bên trong sân bay, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng tổ chức lập dự án, dự kiến giao chủ đầu tư.

Các nhà ga hành khách T3, T4, sân đỗ ôtô, các công trình phụ trợ khác giao chủ đầu tư là doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng vốn xã hội hoá. Các dự án giao thông kết nối, thoát nước ngoài sân bay, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngay từ thời điểm này cần song song chuẩn bị các công việc thực hiện dự án như thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư để có thể phê duyệt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng các cơ chế đặc thù cho từng dự án để có thể áp dụng đồng bộ ngay khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lý các kiến nghị của Thành phố theo thẩm quyền để đảm báo các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ động lập quy hoạch chỉnh trang đô thị khu vực sân bay; chủ động điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông thành phố nói chung, đặc biệt là điều chỉnh hệ thống giao thông kết nối với sân bay để đảm bảo giảm ùm tắc giao thông, cảnh quan đô thị. Chủ động nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông kết nối, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài sân bay, đảm bảo phục vụ hoạt động của sân bay có hiệu quả.

“Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để có các biện pháp, phương án tổ chức thực hiện mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị các biện pháp để thực hiện nhanh việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục