Hãng hàng không không thể giữ chỗ bán vé giờ chót giá cao

Hãng hàng không giữ chỗ, bán vé giờ chót giá cao là rất rủi ro

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không không thể áp dụng các chính sách giữ chỗ để bán vé giờ chót với giá cao vì điều này là rất rủi ro.
Hãng hàng không giữ chỗ, bán vé giờ chót giá cao là rất rủi ro ảnh 1Khách mua vé máy bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhiều phản ánh của hành khách rằng phải mua vé giờ chót giá rất cao, dẫn đến tình trạng người dân mua vé lúc khẩn cấp lại bị “bắt chẹt”. Và câu hỏi đặt ra là liệu có thể có tiêu cực trong việc bán vé giờ chót hay không?

Không thể giữ chỗ bán vé cao

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chính sách nhận đặt chỗ vượt quá số lượng ghế cung cấp của tàu bay là thông lệ nghiệp vụ của tất cả hãng hàng không. Tại Việt Nam, hiện chỉ có Vietnam Airlines áp dụng hình thức này.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng đưa ra thực tế, tỷ lệ hành khách có chỗ mà không đi máy bay cũng khá phổ biến nên các hãng thực hiện áp dụng overbook (đặt chỗ) tùy thuộc vào chuyến bay, dẫn đến tình trạng chỗ đặt thì hết nhưng lên máy bay chỗ vẫn còn. Vì thế, hãng đã bán vé giờ chót.

“Thời gian qua đã có nhân viên bán vé giờ chót chèn ép khách để mưu lợi cá nhân do nhu cầu rất muốn đi trên chuyến bay đó của hành khách. Ngoài ra, một số đại lý bán vé giờ chót có hiện tượng lừa đảo, bán xong lại hoàn vé, khi lên sân bay khách mới biết chỗ bị hủy. Đây thường là các đại lý cấp 3, không được các hãng hàng không chỉ định. Khi bán vé, các đại lý có quyền thu phí dịch vụ song vẫn có đại lý lấy giá dịch vụ quá cao,” vị Cục trưởng Cục Hàng không phân tích.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, các hãng hàng không Việt Nam đều đang sử dụng các hệ thống thương mại điện tử hiện đại để phân phối vé máy bay.

Cụ thể, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Vasco sử dụng hệ thống giữ đặt chỗ Sabra. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar sử dụng hệ thống Navitare trong khi Vietjet Air dùng hệ thống inteliSys.

Bên cạnh đó, các hãng đều áp dụng các chính sách phân phối công khai, minh bạch, tuyên truyền quảng bá rộng rãi để hành khách có thể tiếp cận mua vé qua trang trực tuyến hoặc trực tiếp tại các phòng vé, hệ thống đại lý bán vé trên toàn quốc và nhận được hỗ trợ tư vấn về việc lựa chọn chuyến bay phù hợp nhất với nhu cầu của hành khách.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, số chỗ mở bán vé được hiển thị giống nhau trên tất cả các kênh bán, công khai và giống nhau tại cùng một thời điểm. Nếu chuyến bay còn chỗ thì hành khách có thể mua được vé qua tất cả các kênh bán cho đến trước giờ bay 3 giờ (đối với các chuyến bay nội địa), từ 4-6 giờ (đối với các chuyến bay quốc tế) hoặc trong vòng 3 giờ trước giờ bay hành khách vẫn có thể mua vé tại các phòng vé sân bay.

Hãng hàng không giữ chỗ, bán vé giờ chót giá cao là rất rủi ro ảnh 2Hành khách xem hệ thống bảng điện tử chuyến bay tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra sự chính xác của các thông tin này qua các kênh thông tin công khai và tổng đài của các hãng vào bất kỳ thời điểm nào.

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, hiện tại, Việt Nam có 51 hãng hàng không khai thác thị trường quốc tế và 4 hãng hàng không khai thác thị trường nội địa. Việc cạnh tranh trên thị trường diễn ra rất mạnh mẽ đặc biệt là thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các hãng hàng không như Vietnam Airlines áp dụng chính sách đặt chỗ vượt quá số lượng ghế cung cấp của tàu bay để nâng cao hiệu quả sử dụng ghế trên các chuyến bay.

“Các hãng hàng không không thể áp dụng các chính sách giữ lại chỗ để bán vé giờ chót với giá cao vì điều này là rất rủi ro, gây lãng phí cho hãng hàng không, hành khách và xã hội,” ông Võ Huy Cường khẳng định.

Công khai số ghế còn trống

Trước đó, trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam vào giữa tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhận được nhiều phản ánh của hành khách rằng phải mua vé giờ chót giá rất cao, có hiện tượng bắt chẹt bởi họ cần đi ngay. Ngoài ra, có tình trạng khi mua vé, hãng hàng không đã báo hết, song khi lên máy bay thì có nhiều ghế trống.

Ngay sau đó, Bộ trưởng đã yêu cầu các hãng hàng không phải công khai số chỗ còn, chỗ hết trên bảng ở sân bay, để người dân biết và tránh tình trạng nhân viên “bắt chẹt” khách.

Liên quan đến vấn đề này, theo Cục phó Cục Hàng không Võ Huy Cường, tại các cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, hiện Vietnam Airlines, Vasco đều đã có màn hình lớn hiển thị thông tin về số ghế còn trống của các chuyến bay sắp cất cánh trong ngày, bố trí ở vị trí dễ thấy tại quầy vé sân bay.

Ngoài ra, các cảng hàng không Điện Biên, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Phú Quốc, Cần Thơ đã hoàn tất lắp đặt trang thiết bị hiển thị, đang trong quá trình thử nghiệm và sớm đưa vào khai thác. Các cảng hàng không còn lại đã tích cực triển khai, dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Cụ thể, Jetstar đang xây dựng và xúc tiến việc lắp đặt thiết bị hiển thị thông tin tại các cảng hàng không dự kiến hoàn tất trước 15/7. Vietjet dự kiến từ tháng 8 tới đây sẽ cho hiển thị thông tin về tình trạng chỗ của các chuyến bay tại màn hình lớn lắp đặt ở các phòng vé sân bay.

“Các hãng hàng không sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện công tác bán vé để hành khách nắm bắt thông tin và mua vé, hạn chế bị các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý khách hàng cần đi gấp để lừa đảo, bán vé giá cao trục lợi bất chính, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân,” ông Võ Huy Cường cho hay.

Đưa ra công tác giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ đặt chỗ, bán vé của các hãng hàng không nước ta tốt hơn, Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, kiểm tra hoạt động bán vé, đặt chỗ của các hãng hàng không đồng thời có các chỉ đạo, khuyến cáo để cải tiến công tác đặt chỗ, bán vé theo hướng công khai, minh bạch hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục