Hạn hán đã ảnh hưởng tới 71% lãnh thổ Cuba và tình trạng này đòi hỏi các giải pháp đối phó ngắn hạn như việc đưa vào vận hành các nhà máy khử mặn và lọc nước biển, khoan giếng, xử lý nước thải và tiết kiệm nước trong sinh hoạt.
Số liệu công bố ngày 16/3 trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thức của Cuba cho biết trong số 168 quận huyện nước này, có khoảng 141 địa phương đang hứng chịu hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này. 61 quận huyện đang chịu mức hạn hán ở cấp độ cao nhất và 50 địa phương khác bị hạn hán nghiêm trọng.
Viện Tài nguyên nước quốc gia Cuba (INRH) nhận định tình trạng khô hạn hiện tại xuất phát từ việc thiếu mưa trên diện rộng và có nơi kéo dài nhiều tháng trời, đặc biệt là tại các khu vực miền Trung và miền Đông của nước này.
Tính tới hết tháng Hai, tổng lượng mưa đo được tại Cuba mới ở mức 29mm, thấp hơn mức trung bình trong thời kỳ này là 42,6mm. Trong số 242 hồ chứa nước trên toàn quốc, 20 hồ đã hoàn toàn khô cạn và 74 hồ có mực nước dưới 25%.
Theo Giám đốc INRH Inés Chapman, từ năm 2012, Cuba đã triển khai Chương trình Nước quốc gia nhằm giảm thiểu lượng nước hao hụt do tình trạng xuống cấp của hệ thống ống dẫn và áp dụng quy chuẩn tiết kiệm nước trong nông nghiệp.
Bên cạnh những biện pháp dài hạn này, bà Chapman còn đề xuất một số giải pháp cấp bách cho tình thế hiện tại như sớm đưa vào sử dụng nhà máy khử mặn và lọc nước biển tại tỉnh miền Đông Santiago, là nhà máy đầu tiên trong số bốn nhà máy tương tự dự định sẽ được lắp đặt, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý nước thải để tái sử dụng trong nông nghiệp và khoan giếng tìm nước mạch sâu, đặc biệt là tại tỉnh miền Trung Ciego de Avila - một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng lại có tiềm năng cho giải pháp này.
Trong đợt hạn hán 2003-2005, các tỉnh miền Đông của Cuba gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, trong khi trong đợt hạn hán 2010, thủ đô La Habana là nơi chịu tác động nhiều nhất. Đợt hạn hán hiện tại, kéo dài suốt từ năm 2014 tới nay, được INRH ghi nhận là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 115 năm qua tại Cuba.
Tại Cuba, 60% lượng nước ngọt tiêu thụ được sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp, 20% cho sinh hoạt, 5% cho công nghiệp và phần còn lại cho các hoạt động kinh tế khác./.