Năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%. Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), dù áp lực cạnh tranh tăng lên nhưng cũng không quá quyết liệt.
Bên lề Tọa đàm "Phát triển công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô" do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (6/9), tại Hà Nội, ông Trương Thanh Hoài đã có một số trao đổi với phóng viên VietnamPlus để có cách nhìn tổng quan hơn về ngành công nghiệp này.
- Xin ông cho biết những điểm mạnh và yếu của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay?
Ông Trương Thanh Hoài: Ngành công nghiệp ôtô đã được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp rất quan trọng nó có tác động lan tỏa đến rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: Cơ khí, điện tử, luyện kim hay hóa chất, đặc biệt là tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì vậy, ngành công nghiệp ôtô được Chính phủ xác định rõ ràng theo định hướng Chiến lược và quy hoạch đã được phê duyệt năm 2014.
Các chính sách hiện nay của chúng ta đang tập trung để nâng cao dung lượng thị trường, vì dung lượng có đủ lớn thì mới có thể thực hiện công tác nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Có thể thấy, sau 2 năm ban hành chính sách Quy hoạch và chiến lược phát triển ngành ôtô, cùng với các chính sách khác như thuế tiêu thụ đặc biệt để tập trung vào dòng xe nhỏ, thân thiện môi trường đã có những tác động tương đối rõ ràng, cụ thể là số lượng xe năm 2016 về cơ bản đã vượt so với định hướng theo chiến lược đến năm 2020.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, tỷ lệ nội địa hóa còn tương đối thấp. Nếu theo định hướng chiến lược và quy hoạch đưa ra đến năm 2020 tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40% và đến 2025 đạt 45% thì nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt được.
Cụ thể, dòng xe con mới chỉ đạt được từ 10%-20%; xe buýt là hơn 30% và xe tải khoảng hơn 40% và như vậy thì khoảng cách để đạt được tiêu chí về nội địa hóa nhằm hưởng các ưu đãi trong thuế quan của AFTA và TPP thì các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều.
- Việc giảm thuế quan trong ASEAN vào năm 2018 đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam?
Ông Trương Thanh Hoài: Theo cam kết trong ASEAN, đến năm 2018 các xe được sản xuất trong nội khối có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Tuy ảnh hưởng nhưng không phải cạnh tranh trực tiếp lắm vì trong một thị trường có sản phẩm này thay thế sản phẩm kia nên mức độ cạnh tranh cũng không quyết liệt như chúng ta nghĩ.
Trong thời gian qua, khi ban hành Chiến lược và quy hoạch ngành ôtô, Việt Nam có định hướng rất rõ ràng và đều đạt được mức tăng trưởng rất cao, mỗi năm khoảng 20% dung lượng thị trường trong nước và khi dung lượng thị trường đủ lớn, chúng ta sẽ có điều kiện nâng cao nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong nước.
- Vậy theo ông, để đạt được đúng quy hoạch thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
Ông Trương Thanh Hoài: Bài toán để phát triển ngành công nghiệp phải xác định sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào phải do thị trường quyết định.
Ở đây trách nhiệm của Nhà nước đã được thể hiện rõ trong Chiến lược và quy hoạch, tức là Nhà nước sẽ tạo ra một thị trường để doanh nghiệp có mục tiêu để sản xuất.
Trong quá trình sản xuất nếu đã tạo ra thị trường nhưng các doanh nghiệp không đủ điều kiện để sản xuất đáp ứng thị trường thì vai trò của nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao sản xuất được.
Trong hỗ trợ của các Nhà nước sẽ tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ tín dụng, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ... các nội dung này cũng đã được quy định tại Nghị định 111/NĐ-CP ban hành năm 2015. Tuy nhiên vẫn cần nhiều chính sách hơn nữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước một cách dễ dàng hơn.
- Các doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì sao thưa ông?
Ông Trương Thanh Hoài: Chúng ta đã gia nhập các cam kết quốc tế thì không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài nên chính sách ưu đãi nếu có sẽ được áp dụng chung cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Còn về chương trình hỗ trợ của Chính phủ, sau khi ban hành Nghị định 111/CP về một số chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo quyết định phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, trong đó các nội dung hỗ trợ sẽ tập trung vào tín dụng, nâng cao trình độ sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chúng tôi hy vọng chương trình hỗ trợ này sẽ sớm được triển khai và sớm được bố trí kinh phí để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
- Xin cảm ơn ông./.