Ngày 6/9, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Đoàn công tác số 7) do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tại tỉnh Vĩnh Long.
Theo kế hoạch, đoàn công tác số 7 sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thành ủy Vĩnh Long, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy... Thời gian kiểm tra, giám sát từ ngày 6-20/9.
Tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Long Lê Thành Lượng đã trình bày báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long với đoàn công tác về tình hình, kết quả công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của tỉnh.
Từ ngày 1/1/2011 đến 31/3/2017, qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, toàn tỉnh có 86 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng và 6 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến sai phạm kinh tế bị xử lý kỷ luật.
Cũng trong thời gian này, ngành thanh tra tỉnh đã thực hiện 590 cuộc thanh tra ở 917 đơn vị, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 28,4 tỷ đồng, chấn chỉnh theo đúng quy định tài chính 122,2 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính hình thức kiểm điểm trách nhiệm 453 cá nhân và 27 tập thể. Toàn tỉnh xảy ra 16 vụ án tham nhũng, kinh tế với 36 đối tượng.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ; kiên quyết xử lý, kịp thời thay thế người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, địa phương trực tiếp quản lý.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan nội chính ở tất cả các khâu, từ phát hiện, khởi tố, xét xử và thi hành án; thực hiện nghiêm việc chuyển cơ quan điều tra để xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra...
Tỉnh Vĩnh Long đề xuất Trung ương tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các văn bản liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc, thật sự là công cụ hữu hiệu trong thực hiện phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, Trung ương nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, theo hướng tăng quyền trong công tác chỉ đạo, giám sát, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
[Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017]
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Phan Văn Sáu nhấn mạnh trong đợt kiểm tra, giám sát lần này, Đoàn công tác sẽ nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, làm việc trực tiếp và thu thập hồ sơ, tài liệu cần thiết tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo Đoàn công tác số 7, việc kiểm tra, giám sát nhằm nắm vững tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Bên cạnh đó, đợt kiểm tra cũng nhằm đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.../.