Giá thịt lợn phục hồi tác động mạnh đến đà tăng của CPI tháng Tám

Giá thịt lợn phục hồi khiến chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao đồng thời tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng Tám.
Giá thịt lợn phục hồi tác động mạnh đến đà tăng của CPI tháng Tám ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giá thịt lợn phục hồi khiến chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao đồng thời tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng Tám.

Cụ thể, giá thịt lợn tăng bình quân 5,72% so với tháng trước, kéo giá cả các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt cùng đi lên.

Về tình hình tiêu dùng trên cả nước, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho hay, diễn biến mưa bão và lũ quét bất ngờ cũng tác động mạnh đến giá rau xanh, giá tăng tới 3,89% so với tháng trước.

“Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,64% góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%,” bà Ngọc cho biết.


[Thủ tướng: Nâng cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý điều hành]

CPI tăng vọt

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 29/8), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng 0,92% so với tháng Bảy, đây là mức cao nhất kể từ năm 2012.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 3,84%, vượt 1,23% so với tháng 12 đồng thời tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Báo cáo, trong các ngành hàng hóa và dịch vụ chính có 10/11 nhóm tăng giá, cụ thể nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất 2,86%, kế tiếp là nhóm giao thông tăng 2,13%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng thấp nhất 0,01%. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông quay đầy giảm 0,04%.

Ngoài nguyên nhân tăng giá của nhóm thực phẩm, bà Ngọc cho biết thêm, CPI tháng Tám còn bị ảnh hưởng bởi nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở (tăng 1,27%) và chủ yếu bắt nguồn từ nhóm mặt hàng sắt thép có giá nguyên liệu đầu vào (như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh trong tháng Bảy) khiến các nhà máy đồng loạt tăng giá bán lên 5% - 10%.

Biến động chỉ số giá tại các nhóm dịch vụ, hàng hóa tháng Tám

(đơn vị: %)

Giá xăng chi phối khoảng 0,2%

Đáng chú ý, trong tháng qua giá xăng, dầu đột ngột điều chỉnh tăng liền hai đợt (ngày 4/8 và 19/8), cụ thể giá xăng đã cộng thêm 1.110 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 470 đồng /lít, khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,13% và góp phần tăng CPI tháng Tám khoảng 0,2%.

Tình hình giá gas trên thị trường có biến động mạnh, tăng 85USD/tấn lên mức 440 USD/tấn, đẩy giá gas trong nước tăng 27.000đ/bình 12 kg, tăng 8,91% so với tháng Bảy.

Thêm vào đó, Báo cáo thống kê cũng chỉ ra, giá dịch vụ y tế cũng có mức tăng tới 3,72%, nguyên nhân xuất phát từ giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế bị tăng mạnh (theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế).

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, cũng khiến CPI của tháng đi lên.

Vàng giao dich 3,64 triệu đồng/chỉ

Giá vàng trong nước giao dịch xung quanh mức 3,64 triệu đồng/chỉ vàng SJC và tăng 1,11% so với tháng trước.

Bà Ngọc phân tích, giá vàng thế giới biến động tăng mà nguyên nhân bắt nguồn từ căng thẳng quan hệ Mỹ - Triều Tiên và những bất ổn ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Đổi lại, trên thị trường ngoại hối, giá USD lại giảm nhẹ 0,03% so với tháng Bảy, mức giao dịch bình quân quanh mức 22.700 VND/USD, điều này có được là nhờ chính sách điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cộng với lượng dự trữ ngoại tệ được duy trì ở mức dồi dào.

Trên thị trường quốc tế, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng gấp hai lần so với dự báo, khiến US Dollar Index (chỉ số DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF, tăng từ mức 92,72% (ngày 31/7/) lên mức 93,24% (ngày 25/8). Tuy nhiên về cuối tháng, giới đầu tư tiếp tục lo lắng hơn về nền kinh tế Mỹ sau những tác động chính sách của chính quyền Donald Trump, điều này khiến làm cho USD quay đầu đi xuống.

Với những biến động giá trên thị trường, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tám đã tăng 0,1% so với tháng Bảy, tăng 1,31 % so với cùng kỳ và bình quân tám tháng so cùng kỳ tăng 1,47%, nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định./.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giai đoạn 2008 – 2017

(đơn vị tính:%)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục