Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức với doanh nhân, lao động nữ

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, số doanh nghiệp do nữ làm chủ mới chỉ đạt khoảng 25% và chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ.
Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức với doanh nhân, lao động nữ ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hội thảo "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Cơ hội và thách thức với doanh nhân và lao động nữ Việt Nam," tổ chức ngày 26/4, tại Hà Nội.

Hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nữ như tác động chính sách, đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính và tín dụng, phát triển mạng lưới nữ doanh nhân và dạy nghề, tạo việc làm sau học nghề cho lao động nữ…

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, bình quân cứ 200 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi tại những nước có nền kinh tế phát triển, cứ 15-20 người dân có một doanh nghiệp, đây là một sự chênh lệch khá lớn. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, số doanh nghiệp do nữ làm chủ mới chỉ đạt khoảng 25% và chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ.

Đề cập đến cơ hội của các doanh nhân và lao động nữ của Việt Nam khi gia nhập TPP, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội và môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ.

Hơn 70% lực lượng lao động Việt Nam sống ở nông thôn và gần 45% lực lượng lao động làm việc trong khu công nghiệp với năng suất thấp cần chuyển hướng sang khu vực doanh nghiệp để tăng năng suất, đặc biệt khi các nước trong TPP có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp.

Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, Hiệp định TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho lao động nữ ở Việt Nam. Hiệp định TPP có những tác động sâu rộng trực tiếp không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn với hầu hết các nhóm lao động nữ hiện nay.

Lao động nữ, công nhân nữ ở các địa phương cũng tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế và cần được hỗ trợ kiến thức về lao động sản xuất và các kỹ năng cần thiết để thoát nghèo bền vững.

Nhiều đại biểu nhận định, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để trụ vững và phát triển, các doanh nhân nữ cần chủ động hợp tác liên kết trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy tiềm năng, thế mạnh; từ đó tạo ra những mặt hàng độc đáo, khác biệt so với các nước để phát triển và mang lại doanh thu cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục