Giá lúa gạo trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhờ xuất khẩu

Giá lúa gạo trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhờ hoạt động xuất khẩu sang Indonesia và Philippines, cùng với nhu cầu nhập khẩu mới từ Trung Quốc.
Giá lúa gạo trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhờ xuất khẩu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lúa gạo trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhờ hoạt động xuất khẩu sang Indonesia và Philippines, cùng với nhu cầu nhập khẩu mới từ Trung Quốc.

Giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng, cụ thể như tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 50 đồng/kg, từ 4.500 đồng/kg lên 4.550 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 tăng 150 đồng/kg, lên 4.650 đồng/kg; lúa khô IR50404 tăng 100 đồng/kg, lên 5.100 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Đông Xuân đang thu hoạch có giá 4.600-5.000 đồng/kg; lúa Tài Nguyên (lúa đặc sản) giảm từ 6.500-7.200 đồng/kg xuống còn 6.000-6.500 đồng/kg.

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang rộ thu hoạch vụ Đông Xuân. Song, hiện tượng xâm nhập mặn đang gây ra ngay ngắt sẽ có nguy cơ làm làm giảm chất lượng cũng như sản lượng lúa.

Trong tuần qua, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng tăng, tương đương với giá gạo Thái Lan. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 360-370 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), so với 350-360 USD/tấn tuần trước; gạo 25% tấm tăng từ 340-350 USD/tấn lên 350-360 USD/tấn.

Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng lên 360-370 USD/tấn (FOB Băng Cốc), so với 355-365 USD/tấn tuần trước; gạo 25% tấm tăng lên 350-360 USD/tấn, so với 345-355 USD/tấn tuần trước.

Trên thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh thực hiện phần còn lại của hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho Indonesia mà Việt Nam và quốc gia này đã ký kết vào năm ngoái đã giúp Indonesia tạm vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong năm 2016 tiếp tục chịu tác động trong bối cảnh diễn biến khó lường của các thị trường gạo thế giới, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…, không chỉ về giá mà còn là chất lượng, thương hiệu.

Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2016 đạt 1,01 triệu tấn và 445 triệu USD, tăng gấp gần 2,1 lần về khối lượng và tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục