FIFA hy vọng World Cup 2022 tại Qatar không bị ảnh hưởng

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino ngày 11/6 đã bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay sẽ không đe dọa tới việc Qatar đăng cai VCK World Cup 2022.
FIFA hy vọng World Cup 2022 tại Qatar không bị ảnh hưởng ảnh 1Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino. (Nguồn: AP)

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino ngày 11/6 đã bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay sẽ không đe dọa tới việc Qatar đăng cai Vòng chung kết World Cup 2022.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo "Le Matin Dimanche" của Thụy Sĩ, ông Infantino cho biết FIFA đang theo sát tình hình tại vùng Vịnh và thường xuyên liên lạc với giới chức hữu quan Qatar.

Ông đồng thời bày tỏ hy vọng những căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh sẽ được giải quyết trước khi World Cup 2022 diễn ra tại đây.

Ông Infatino nêu rõ: "Vai trò chủ yếu FIFA là các công tác liên quan tới bóng đá chứ không phải can thiệp các vấn đề địa chính trị," nhưng ông cam kết FIFA sẽ làm mọi điều trong khả năng của mình để có thể để giúp các quốc gia vùng Vịnh thoát khỏi khủng hoảng ngoại giao.

[Saudi Arabia, UAE cho thấy dấu hiệu xoa dịu căng thẳng với Qatar]

Một trong những biện pháp mà FIFA thực hiện ngay lúc này đó là chỉ định lại các tổ trọng tài trong các trận đấu vòng loại World Cup 2018 có các quốc gia vùng Vịnh tham gia, để đỡ "làm khó" cho các bên liên quan.

Theo đó, FIFA đã thay thế tổ trọng tài người Qatar, vốn được chỉ định bắt trận đấu giữa Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào ngày 13/6 tới, đồng thời nêu rõ đây là một quyết định chủ động của FIFA chứ không phải thuận theo yêu cầu của UAE. Theo quyết định mới, trọng tài Muhammad Taqi (người Singapore) sẽ bắt trận đấu này. 

Nước chủ nhà World Cup 2022 đang bị cô lập mạnh mẽ bởi các quốc gia láng giềng với cáo buộc "hậu thuẫn các nhóm khủng bố," điều mà chính quyền Doha đã bác bỏ.

Hiện đã có gần 10 nước đã cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar, dẫn đến nguy cơ giải bóng đã lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra trong 5 năm tới có thể vắng nhiều đội bóng, trong đó phần lớn ở châu Á.

Ngoài ra, Qatar đang phụ thuộc khá nhiều vào lực lượng lao động khổng lồ đến từ Đông Nam Á. Nếu lực lượng này bị cắt giảm do khủng hoảng ngoại giao, Qatar sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến công tác xây dựng hạ tầng chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup 2022.

Chưa hết, Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã chặn các chuyến bay đến từ Qatar. Thậm chí câu lạc bộ nổi tiếng Al Ahli (Saudi Arabia) đã chấm dứt hợp đồng tài trợ với một hãng hàng không Qatar.

Ngay giải U20 World Cup vừa diễn ra ở Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. BeIN Sports, kênh truyền hình Qatar giữ bản quyền phát sóng giải đấu này tại Bắc Phi và Trung Đông, đã bị chặn sóng ở UAE. Chính phủ UAE từ chối chiếu giải U20 thế giới qua sóng truyền hình thuộc quốc gia mà họ đang phản đối. 

Sự phong tỏa nhiều mặt của các nước vùng Vịnh với Qatar là vô cùng nguy hại nếu kéo dài. Quốc gia chủ nhà World Cup 2022 sẽ rất khó khăn trong tiến trình thu hút tài trợ, khi vương quốc này dự tính phải chi tới 200 tỷ USD chỉ riêng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chưa có sân nào trong 12 sân dự kiến đăng cai World Cup 2022 đủ điều kiện tổ chức vào thời điểm này, 8 trong số đó mới chỉ là các dự án nằm trên giấy.

FIFA có quyết tâm giữ World Cup 2022 tại Qatar cũng không phải điều dễ dàng nếu không có sự ủng hộ của các liên đoàn thành viên.

Hy vọng quãng thời gian 5 năm có thể giúp các bên hàn gắn để bảo toàn ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục