Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2014, trên cả nước đã có 204 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam đầu tư vào ngành giáo dục và đào tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 825,5 triệu USD.
Để so sánh, con số này chưa bằng 1/3 giá trị của lượng bia mà người Việt đã uống trong năm 2013 [Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia năm 2013, tương đương với 2,93 tỷ USD kim ngạch 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước-PV].
Đại diện từ Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, “trên thực tế, hoạt động thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Việt Nam vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Nhìn chung, số lượng dự án và số vốn FDI vào ngành này khá khiêm tốn so với các ngành khác, chỉ chiếm 1,17% số lượng dự án và 0,33% tổng số vốn FDI toàn quốc.”
Bên cạnh đó, số liệu từ Báo cáo cho biết quy mô trung bình trên một dự án hiện còn quá thấp, đạt hơn 4 triệu USD/ dự án so với mặt bằng chung của một dự án FDI tại Việt Nam là 14,3 triệu USD, xếp thứ 16/18 ngành kinh tế có vốn FDI của cả nước.
Theo Báo cáo, các nước có nền giáo dục, đào tạo hiện đại (như Quần đảo Virgin thuộc Anh, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Australia,...) đều đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Quần đảo Virgin thuộc Anh dẫn đầu hoạt động đầu tư với 188 triệu USD/21 dự án.
Báo cáo cũng chỉ ra điểm đáng chú ý, hiện các dự án chỉ mới chủ yếu tập trung vào ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cụ thể, Hà Nội có 70 dự án với 328 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 39,8 % về tổng vốn đầu tư của ngành). Thành phố Hồ Chí Minh có 97 dự án với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 263 triệu USD (chiếm 31,9% về tổng vốn đầu tư của ngành). Thành phố Đà Nẵng thu hút được157triệu USD trên 8 dự án.
Theo đó, tính riêng các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục tại ba thành phố này đã chiếm tới 90,8 % tổng vốn đăng ký toàn ngành.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra, “việc các dự án FDI phân bổ không đồng đều tại các khu vực trong cả nước, chỉ tập trung tại các khu vực có mật độ dân số cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khiến chi phí xây dựng các dự án tăng do giá thuê đất ngày càng leo thang.
Thêm vào đó, việc các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước cùng tập trung tại tại ba thành phố trên sẽ dẫn tới nguy cơ bão hòa về nhu cầu. Trong khi ở vùng nông thôn, dù có lực lượng lao động dồi dào và nhu cầu lớn về giáo dục thì số dự án đăng ký cấp giấy phép đầu tư lại quá ít."
Về hình thức đầu tư, Báo cáo cho biết các nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 146 dự án và 522,6 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư của ngành). Tiếp theo là hình thức liên doanh có 48 dự án với 277,68 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư của ngành)./.
Một số dự án FDI lớn nhất của ngành giáo dục và đào tạo
1. Dự án Trường đại học Mỹ Thái Bình Dương có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD.
2. Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn trung tâm Nagai Việt Nam, tổng vốn đầu tư 68,9 triệu USD.
3. Dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thiên Hương, có vốn đầu tư là 68 triệu USD.
4. Dự án Trường quốc tế Nam Sài Gòn, vốn đầu tư đạt 41,3 triệu USD.
5. Dự án Trường Đại học quốc tế RMIT, tổng vốn đầu tư 41,1 triệu USD.