Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latinh và Caribe, diễn ra trong hai ngày 11-12/6 tại thủ đô Brussels, với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung nhằm mang đến cho mọi công dân một xã hội thịnh vượng, đoàn kết và đáng sống,” đã quy tụ lãnh đạo từ 61 quốc gia châu Âu, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe với mục đích tăng cường mối quan hệ ngoại giao, thương mại.
Tại cuộc gặp gỡ với báo chí hôm 9/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Ricardo Patino và Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết cuộc gặp giữa lãnh đạo 28 quốc gia EU và 33 thành viên Cộng đồng quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) là dịp thúc đẩy trao đổi trực tiếp về những vấn đề quốc tế.
Một trong những chủ đề được hội nghị quan tâm là vấn đề nóng lên của Trái Đất, hiện đang liên quan trực tiếp đến nhiều quốc gia ven biển với nguy cơ nước biển dâng.
Tiến trình hòa bình tại Colombia, việc tái thiết Haiti và quá trình cải cách của Cuba cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Tuy nhiên, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Chủ tịch Cuba Raul Castro không có mặt tại hội nghị này.
EU luôn duy trì mối quan hệ với Cuba mặc dù có những chỉ trích về việc thực hiện quyền con người và hiện nay EU đang tranh thủ việc Washington và La Habana nối lại quan hệ để thúc đẩy ký kết thỏa thuận chính trị với quốc đảo này. Dự kiến, đàm phán giữa EU và Cuba về chủ đề này sẽ được tiến hành trong hai ngày 15-16/6 ở Brussels.
Bên cạnh những chủ đề nêu trên, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp cũng là mối bận tâm của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Dự kiến sẽ có cuộc tham vấn giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề hội nghị, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ đang diễn ra đầy cam go.
Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh EU-CELAC cũng tạo điều kiện để EU khai thông những bế tắc trong đàm phán với khối kinh tế MERCOSUR gồm Brazil, Uruguay, Paraguay, Argentina, Venezuela để tiến tới ký kết hiệp định thương mại quy mô lớn EU-MERCOSUR.
Các quốc gia EU và CELAC với hơn một tỷ dân, chiếm 1/3 tổng số thành viên Liên hiệp quốc, có thể có tác động quyết định trong các cuộc đàm phán quốc tế, đặc biệt trong triển vọng của một Đại hội đồng Liên hiệp quốc về ma túy trong năm 2016.
EU mong muốn xác định rõ ràng hơn các lĩnh vực cụ thể để tăng cường hợp tác với CELAC, kể cả về hỗ trợ cho các quốc gia đang cần viện trợ phát triển, hoặc thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng hơn với Chile, Brazil, Uruguay và Colombia, là các nền kinh tế mới nổi.
Cũng tại hội nghị này, EU sẽ thông báo khoản đóng góp cho dự án cáp quang dưới biển Đại Tây Dương giữa Lisbonne (Bồ Đào Nha) và Fortaleza (Brazil).
EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực và là đối tác thương mại lớn thứ hai của CELAC, đồng thời cũng đóng góp nhiều nhất về hỗ trợ phát triển cho khu vực này.
Quỹ hợp tác phát triển (ICD) của EU sẽ chi 2,5 tỷ euro cho khu vực này trong giai đoạn 2014-2020, đồng thời Quỹ phát triển châu Âu (FED) cũng dự kiến cung cấp khoảng 1 tỷ euro cho vùng Caribe trong giai đoạn này./.