Được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô đi vào vận hành trong bối cảnh các tuyến khác đang dậm chân tại chỗ, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư và hàng loạt các sự cố ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người đi đường.
Thường ngày, hàng nghìn người đi lại ngay bên dưới các dầm, hệ thống sắt thép khổng lồ luôn cảm thấy bất an, lo sợ “tử thần” thường trực có thể cướp đi sinh mạng bất cứ khi nào với sự thiếu trách nhiệm trong thi công của nhà thầu.
Tiến độ ì ạch và rất… căng
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ xây dựng 13km đường sắt trên cao và 1,7km đường sắt vào khu depot do Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ dầu tư. Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, Tư vấn giám sát là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng-Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện thi công.
Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013. Do nhiều vướng mắc, đến tháng 10/2011 dự án mới được khởi công. Dự kiến, tuyến đường sắt này hoàn thành vào tháng 9/2015 và đưa vào khai thác tháng 12/2015 với điều kiện giải phóng mặt bằng hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc ở ga Cát Linh.
Trong khoảng một năm trở lại đây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được đẩy mạnh thi công, tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn... ì ạch và chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, công tác xây dựng trụ cầu đang chậm khoảng 6 tháng, đúc và lao lắp dầm chậm khoảng 5 tháng, xây dựng các nhà ga chậm từ 3-5 tháng.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Tiến độ ì ạch, hy vọng cán đích năm 2016]
Liên quan đến tiến độ, tại Tờ trình số 360/TTr-BQLDAĐS, Ban quản lý Dự án đường sắt kiến nghị, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ có thể hoàn thành công tác xây lắp vào ngày 31/12/2015, chạy thử tàu vào tháng 1/2016 và sau đó đi vào khai thác thương mại.
“Ban Quản lý dự án đang nỗ lực thi công, rà soát, yêu cầu lập lại tiến độ khả thi nhất để rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình về đích đáp ứng đúng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng là đến tháng 10/2015 phải đưa vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa dự án vào khai thác thương mại. Nhưng thực sự, tiến độ sẽ rất… căng và chủ đầu tư chỉ kỳ vọng sẽ đạt được tiến độ,” ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
“Nắn” lại tổng mức đầu tư
Sau 5 năm thi công, dự án do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào nên tổng mức đầu tư không dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu mà cần thêm 315 triệu USD.
[Video] Xe cẩu bốc xe taxi gặp nạn trong vụ sập giàn giáo ở Hà Đông
Cụ thể, để hoàn thành hơn 13km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa, tốc độ chạy tàu tối đa 80km/giờ cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được hơn 1 triệu lượt khách/ngày đêm, sẽ cần tới khoảng 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỷ đồng), trong đó phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…) cần thêm 64,56 triệu USD.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: “Đội” thêm vốn, tiến độ rất… "căng"]
Đáng kể nhất trong số phần vốn mà Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị “cơi nới” thêm mức đầu tư là chi phí xây dựng (tăng 146,3 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 77 triệu USD); mua sắm đoàn tàu (tăng 19,41 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 24,41 triệu USD); lãi vay, phí quản lý, phí cam kết (tăng 21,44 triệu USD)…
[Video] Vụ sập giàn giáo dự án đường sắt ở Hà Đông nhìn từ trên cao
Dân sợ “tử thần” luôn thường trực ở dự án
Chỉ trong vòng hai tháng gần đây, dự án này đã xảy ra hàng loạt sự cố khiến người dân lưu thông trên tuyến đường này luôn cảm thấy bất an, lo sợ “tử thần” thường trực có thể cướp đi sinh mạng bất cứ khi nào.
[Tai nạn nghiêm trọng ở công trường đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh]
Cụ thể, vào ngày 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong quá trình cẩu thép cây để thi công kết cấu phần trên ga Thanh Xuân III đã xảy ra sự cố làm một người điều khiển xe môtô bị tử nạn và hai người dân khác bị thương.
Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công.
[Tạm dừng thi công toàn bộ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông]
Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực của Tổng thầu EPC quá yếu kém, thiết kế chậm, máy móc con người kém, không có biện pháp thúc đẩy tiến độ dự án, Tư vấn giám sát lơ là…
Chính người đứng đầu ngành giao thông cũng thừa nhận, dự án đang quá chậm, gây phiền hà cho người dân trong việc đi lại. Vì vậy, để mạnh tay chấn chỉnh, Bộ trưởng đã có biện pháp kỷ luật hàng loạt đơn vị trong đó có ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1-nhà thầu thi công nhà ga xảy ra sự cố vì thiếu trách nhiệm, vô cảm với tính mạng người dân trong vụ tai nạn này. Thậm chí, khi có kết quả điều tra sẽ đề nghị công an, nếu xem xét khởi tố vụ án được sẽ khởi tố ngay.
[Tai nạn ở công trường đường sắt đô thị: Hàng loạt đơn vị bị kỷ luật]
Sau khi triển khai các giải pháp về tăng cường an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, đến ngày 21/11, dự án được thi công trở lại bởi hiện nay tiến độ của công trình đang được tính từng ngày để về đích đúng thời hạn.
[Đường sắt trên cao: Cho phép thi công trở lại một số hạng mục]
Hơn 1 tháng sau, vào ngày 27/12, tại vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú dự án đã xảy ra sự cố "cơn mưa" sắt thép và bê tông chôn vùi chiếc xe taxi chở 4 người nhưng rất may không có ai bị thương.
Ngay sau khi sự cố, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định đình chỉ hàng loạt đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc, trong đó đình chỉ công tác điều hành đối với ông Nguyễn Văn Bảo-Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, ông Bảo là người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công nhưng đã để xảy ra sự cố.
[Bộ Giao thông đình chỉ hàng loạt cá nhân, đơn vị vụ sập giàn giáo]
[Bộ Xây dựng: "Vừa kiểm tra được 10 ngày thì xảy ra vụ sập giàn giáo"]
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã liên tục tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với công trình trọng điểm trên, lần gần đây nhất tiến hành kiểm tra là "cách đây 10 ngày".
Theo nhiều người, những khối sắt thép khổng lồ nhưng được che chắn sơ sài, không đảm bảo an toàn cho phương tiện đi qua đó không khác gì cái chết treo lơ lửng trên đầu dân./.