Chàng trai thoạt trông có vẻ bình thường này thật ra lại là một trong những cá nhân đứng sau Fanpage “The X File of History” dành cho cộng đồng người yêu lịch sử với hơn 120.000 lượt theo dõi, và đặc biệt là chủ nhân của cuốn sách làm mưa làm gió trong thời gian qua với 5.000 bản in được đặt mua trước khi chính thức phát hành. Tôi đang nói đến Dũng Phan và ''Sử Việt - 12 khúc tráng ca."
“Tôi kể chuyện chứ không thống kê lịch sử”
- Hiếm có một cuốn sách về Sử Việt nào lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ như ''Sử Việt - 12 khúc tráng ca.'' Cá nhân anh có lường trước được hiệu ứng này không?
Dũng Phan: Thật sự, tôi không ngờ cuốn sách lại có sức lan tỏa như vậy. Tôi đoán trước mọi người sẽ đón nhận nồng nhiệt nhưng lan tỏa mạnh như vậy thì không. Một người anh - nhà báo Trần Minh đã nói một câu khiến tôi rất thích, khi gọi đây là “Cuốn sách lịch sử đi vào lịch sử."
- Tập hợp các bài viết của Facebooker hay Fanpage có lượng người theo dõi cao để in sách đang được xem là xu hướng của ngành xuất bản hiện nay. Fanpage của anh với hàng trăm ngàn lượt theo dõi thì sách bán chạy là điều đương nhiên. Một lộ trình quá hoàn hảo còn gì!
Dũng Phan: Hoàn toàn không có một lộ trình nào như anh nói. Tất cả mọi việc diễn ra một cách rất tự nhiên, giống như thông điệp trong bộ phim ''Ba chàng ngốc'' của Ấn Độ: “Theo đuổi đam mê thì thành công sẽ theo đuổi bạn."
Ban đầu, đây vẫn là đam mê của tôi. Vì đam mê nên có những đêm tôi thức đến 3-4 giờ sáng để viết, trong khi 8 giờ sáng phải lên công ty. Nếu không đam mê thì rất khó để làm được như vậy!
Bên cạnh đó, với tư cách là một người yêu Sử Việt, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm truyền đi tình yêu đó đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Đây là mục đích lớn nhất khi tôi viết bài trên “The X File History” cũng như quyết định hợp tác để in sách. Hãy gọi đó là “lộ trình đam mê."
- Điều khiến anh hạnh phúc nhất khi “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” được ra mắt?
Dũng Phan: Đó chính là cách mà mọi người đón nhận lịch sử và tình cảm mà họ dành cho mình. Trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội, có nhiều người đi xe tận bốn tiếng đồng hồ xuống Hà Nội chỉ để gặp, đặt một câu hỏi cho tôi rồi lại ngồi xe bốn tiếng trở về. Có bạn ở Móng Cái xuống Hà Nội ngồi đợi từ 10 giờ sáng, trong khi chương trình bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Đến khi giao lưu, có một bạn giơ tay đề nghị “Cho mình ôm Dũng một cái được không?” rồi mới đặt câu hỏi. Hội trường có 300 chỗ mà hôm đó có tới gần 600 người, trong mơ tôi cũng không tưởng tượng được lại đông như thế.
- Một cách khách quan, theo anh, “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” hơn các cuốn sách khác ở điểm gì khiến giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như vậy?
Dũng Phan: Yếu tố kể chuyện lịch sử. Theo tôi, các bạn trẻ thích được nghe kể chuyện. Và ở đây, tôi kể chuyện chứ không phải thống kê lịch sử. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về những tranh đoạt hoàng quyền, những mưu kế, kế hoạch chiến đấu, về những thời khắc mà ông cha ta đã chiến đấu như thế nào, anh dũng ra sao … theo cách hấp dẫn giống như một bộ phim.
[Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Vì chữ thần tượng mà nghệ sỹ phải trả giả đắt]
“Tôi đã quá tự tin và nóng vội…”
- Đúng như tâm niệm của anh, cuốn sách đã truyền đi tình yêu cũng như khơi dậy niềm tự hào với lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ có điều, với khá nhiều lỗi sơ đẳng mà báo chí chỉ ra trong thời gian qua, đã làm giảm đi phần nào giá trị của cuốn sách. Anh có muốn nói thêm gì về điều này?
Dũng Phan: Tôi có đọc hết những bài báo này và tôi rất thoải mái nhận các lời phê bình. Đặc biệt, tôi cảm nhận được cái tâm của tác giải bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Đó giống như một người anh trai đang chỉ bảo cho em út về những sai sót, giúp cuốn sách trở nên hoàn thiện hơn. Nếu không có những bài báo như thế, sẽ không bao giờ có một cuốn sách thành công. Bởi vì, một cuốn sách ra mắt được bàn luận, được nhắc đến với nhiều luồng ý kiến khen chê khác nhau mới là một cuốn sách thành công.
Cũng qua đây, tôi xin được gửi lời xin lỗi chân thành tới những người đã quan tâm và dành tình cảm cho cuốn sách ''Sử Việt - 12 khúc tráng ca.'' Hiện tại, trong đợt nối bản giữa tháng Tám vừa qua, tôi đã tiến hành sửa lỗi, xóa bỏ hoàn toàn những hạt sạt để cuốn sách hoàn chỉnh. Bản đang bày bán trên thị trường, đó chính là bản đã sửa hết những hạt sạn mà báo chí có đề cập.
Cá nhân tôi vẫn nghĩ, cuốn sách này không chỉ dùng cho giai đoạn này mà cho cả về sau. Vậy nên, tôi rất mong tiếp tục nhận được phản hồi cũng như góp ý để cuốn sách được tốt nhất.
- Vì sao ngay từ đầu anh không tìm đến các chuyên gia về sử học để nhờ họ hiệu đính cho cuốn sách. Như thế, những sai sót không đáng có đã không xảy ra…
Dũng Phan: Đây có lẽ là sai lầm của tôi.
- Có phải vì anh quá tự tin hay nóng vội?
Dũng Phan: Cả hai.
- Sử vốn có đường đi hẹp, thêm vào đó, trong quá trình tìm hiểu tư liệu cũng chỉ có một mình anh. Anh có thấy mình cô đơn không?
Dũng Phan: Tôi là một người xông pha. Ai chơi với Dũng Phan lâu, đều biết tính cách cơ bản của tôi, tôi mang phong cách của một thằng đàn ông ưỡn ngực đi tới. Gập ghềnh nhưng không sợ hãi, và lúc nào cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng lao về phía trước. Cũng có tổn thương, nhưng cuộc đời này quá ngắn, làm một thằng đàn ông thì nên có giá trị để lại cho đời, cân nhắc nhiều quá, lại vuột mất mọi thứ. Vậy nên, đừng sợ hãi, mà hãy bước tới làm luôn đi!
Thật ra trên Facebook có nhiều người trẻ rất am hiểu hiểu về lịch sử chứ không phải chỉ có tôi. Tôi và họ đều là dân sử “tay ngang” nhưng cùng có đam mê kể chuyện lịch sử cho mọi người. Do đó, trong quá trình viết sử, vì thấy có nhiều người giống mình ở trên mạng xã hội, nên sự cô đơn không xuất hiện. Chỉ khi cuốn sách ra đời, thì nó mới hình thành.
- Sự cô đơn ấy mang hình dáng như thế nào?
Dũng Phan: Hình dáng của một người trẻ ngơ ngác đứng nhìn lên cây đại thụ ở phía bên kia đường. Và bên này, một con đường chưa mở lối, có một cậu nhỏ, một tay ngang, đang mò mẫm đi trên con đường ấy.
- Cảm giác đấy nó có dễ chịu không?
Dũng Phan: Hoàn toàn không.
- Tại sao vậy?
Dũng Phan: Vì cô đơn không thể dễ chịu rồi nhưng mà vẫn hy vọng và tin tưởng. Và, đó cũng chính là động lực để cho mình sáng tạo.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!/.
Q&A
- Cuốn sách đầu tiên về lịch sử mà anh được đọc?
Một cuốn sách về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
- Cuốn sách gối đầu giường?
“Bố Già” của Mario Puzo.
- Người truyền tình yêu lịch sử cho anh?
Người Mẹ đã mất của tôi.
- Vị vua nào khiến anh khâm phục nhất?
Hoàng đế Quang Trung. Một con người không cần tô hồng để vĩ đại, một con người trát bùn lên vẫn không khiến sự vĩ đại mất đi.
- Vùng đất nào anh muốn được khám phá nhiều hơn?
Cố đô Huế. Huế vẫn mang rất nhiều bí ẩn của lịch sử còn sót lại.
- Bài học lớn nhất anh học được từ tiền nhân là gì?
Đó là tinh thần dũng cảm, dám làm và dám chịu, dám đương đầu và dám đi tới. Kết cục có thể tan hoang, có thể vinh quang, nhưng từ Đinh Bộ Lĩnh, Trần Thủ Độ, Lê Hoàn, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh… không bao giờ chấp nhận mình chỉ là cái bóng mờ của thời đại họ đang sống.
- Phương châm sống?
Tất cả mọi thứ xảy ra, hãy nhìn vào mặt phải của vấn đề. Cuộc đời này quá ngắn để nói từ hối hận.
- Sử gia yêu thích?
Lê Thành Khôi.
- Việc muốn làm nhất hiện nay?
Du lịch. Tôi muốn đưa cuốn sách này đi báo công với các bậc tiền nhân. Năm xưa, tôi đến các di tích lịch sử, cũng chỉ để cảm cái hồn sử này.
- Sau giờ tan sở anh thường ở đâu, làm gì?
Ở nhà viết báo, viết sách. Ở ngoài đường hẹn hò với bạn gái. Ở sân bóng để đá bóng. Và ở quán bia để tụ tập với anh em.
Bài: An Sơn (Thể thao Văn hóa và Đàn ông)
Ảnh: Nguyễn Hoàng Duy