Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ngày 11/7 cảnh báo các quy định trong lĩnh vực ngân hàng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) cần phải được cải cách, trước những chỉ trích rằng các vụ giải cứu ngân hàng ở Italy gần đây đã không để ý đến những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Các cơ quan quản lý của châu Âu bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã cho phép Italy sử dụng tiền của người đóng thuế để giải cứu hai ngân hàng nhỏ của Italy là Ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza.
Vụ giải cứu được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu (EU) có thể tiêu tốn của Italy khoản tiền lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD).
[Hạ viện Italy thông qua lần cuối kế hoạch giải cứu ngân hàng]
Ông Schaeuble, vị bộ trưởng tài chính có tầm ảnh hưởng nhất khu vực Eurozone, cho biết ông lấy làm tiếc rằng quy định của các quốc gia còn có nhiều khác biệt và những quy định khắt khe hơn nhiều của châu Âu thì chỉ áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất của khu vực.
Trong vụ cứu trợ tài chính nói trên, các tài sản “khỏe mạnh” của hai ngân hàng “gặp hạn” được bán lại cho ngân hàng lớn nhất Italy là Intesa Sanpaolo với mức giá mang tính chất tượng trưng 1 euro.
EU hồi tuần trước cũng “bật đèn xanh” cho vụ giải cứu một ngân hàng khác của Italy là Monte dei Paschi di Siena (BMPS) với số tiền 5,4 tỷ euro. Những người chỉ trích cho rằng các vụ cứu trợ tài chính này đi ngược lại tinh thần của các quy định mà EU đưa ra nhằm bảo vệ những người nộp thuế trước những hậu quả mà ngành ngân hàng gây ra.
Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem cho biết khối này sẽ đưa ra những đề xuất mới đối với ngành ngân hàng trước cuối năm nay, nhằm đảm bảo rằng những gì từng xảy ra với Italy sẽ không tái diễn trong tương lai./.