Ngày 17/11, tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã có buổi tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức Edelgard Bulmahn cùng các thành viên trong Đoàn.
Tại buổi tiếp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Quốc Việt đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khu vực và phục vụ xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, cây ăn trái...
Tuy nhiên, do nằm ở cuối nguồn sông Mekong, cả ba mặt đều tiếp giáp biển nên Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sự phát triển ở thượng nguồn làm cho sông Mekong thay đổi bất thường.
Gần đây, tiến trình biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhanh hơn, trực tiếp gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, để lại những hệ lụy khó lường đối với tài nguyên đất, nước, công trình, hạ tầng giao thông, thủy lợi cây trồng, tạo tâm lý lo lắng đối với người dân. Riêng đợt hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2016 đã có 10/13 tỉnh, thành trong vùng công bố tình trạng thiên tai, làm ít nhất 290.000 hộ dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt, gây thiệt hại nghiêm trọng lên cây trồng, vật nuôi, gây nhiều hệ lụy về tài nguyên đất và nước. Tổng thiệt hại của vùng trên 254.850ha với số tiền trên 15.000 tỷ đồng.
Theo ông Việt, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang hoàn thiện cơ chế chính sách về liên kết, hợp tác và điều phối ở cấp vùng, đặc biệt là trong quy hoạch và xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, kiểm soát mặn, quản lý rừng, bảo vệ các vùng ven biển, quy hoạch cấp thoát nước, công tác điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sự sụt lún mặt đất... Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư của quốc gia còn hạn chế nên quá trình triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thời gian qua, thông qua Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai thực hiện dự án "Sáng kiến tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long" và chương trình "Quản lý tổng hợp vùng ven biển" hỗ trợ các địa phương chống chịu biến đổi khí hậu bằng nhiều mô hình trong nông nghiệp, bảo vệ vùng ven biển, quản lý nguồn nước, lâm nghiệp, lập kế hoạch và quản lý ngân sách... đang phát huy hiệu quả.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng kêu gọi phía Đức tiếp tục hỗ trợ, kéo dài và nhân rộng các chương trình, dự án nói trên đồng thời ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực lập quy hoạch phát triển vùng cho cả hai khu vực công (đối với cán bộ quản lý nhà nước) và tư (đối với các doanh nghiệp, nông dân), hỗ trợ cho tăng trưởng xanh cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn có rất nhiều tiềm năng nhưng còn thiếu nguồn lực, còn nhiều cản trở, trong khi Cộng hòa Liên bang Đức vốn đi đầu trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Edelgard Bulmahn - Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao vai trò của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo ra thế giới, đồng thời rất ấn tượng với những kết quả đã đạt được từ các dự án quản lý vùng ven biển.
Chính phủ Đức hiểu rất rõ tác động của biến đổi khí hậu và những hệ luỵ của nó. Vì vậy trong các hội nghị quốc tế, Đức luôn kêu gọi các nước đưa ra những hiệp định mang tính ràng buộc. Những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và hệ lụy của nó đã được nhiều bộ ngành của Đức quan tâm. Từ những năm 1999-2000, Chính phủ Đức đưa ra quyết tâm phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu các yếu tố gây biến đổi khí hậu. Đến nay, trong lĩnh vực sản xuất điện ở Đức, năng lượng tái tạo chiếm đến 30%. Nước Đức là đối tác đầy tin cậy và cần sự hợp tác của các nước trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức cũng quan tâm đến các dự án chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang kêu gọi hỗ trợ và muốn tìm hiểu rõ thêm các vấn đề như thứ tự ưu tiên của các dự án, giải pháp thực hiện, cách giải quyết các xung đột về lợi ích như giữa người trồng lúa (dùng nước ngọt) với người nuôi tôm (sử dụng nước lợ), giữa doanh nghiệp với nông dân...; đồng thời cho biết những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long không phải là những thách thức riêng của Việt Nam mà là cho cả quốc tế do đó đòi hỏi có sự tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới./.