Đồng Tháp khuyến cáo người dân khi nuôi cá chạch sụn

Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đồng Tháp khuyến cáo nông dân cần cẩn trọng khi nuôi loài cá này bởi có thể phát tán mầm bệnh mới cho những loài thủy sản hiện có ở địa phương.

Trước việc nông dân ở Đồng Tháp đang phát triển nuôi tự phát loài cá chạch sụn có nguồn gốc ngoại lai, ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đồng Tháp, khuyến cáo nông dân cần cẩn trọng khi nuôi loài cá này bởi có thể phát tán mầm bệnh mới cho những loài thủy sản hiện có ở địa phương.

Theo ông Lê Hoàng Vũ, cá chạch sụn có nguồn gốc từ Đài Loan (có tên gọi khác là cá chạch sụn Đài Loan, cá chạch bùn hay chạch quế), tên khoa học là Macrognathus aculeatus hoặc Misgurnus anguillicaudatus. Đặc điểm nổi bật của loài cá chạch này là có xương mềm (xương sụn).

Trong bảy loại cá chạch ở Việt Nam được phép sản xuất, chỉ có cá chạch, cá chạch bông, cá chạch khoang, cá chạch lá tre, cá chạch rằn, cá chạch sông, cá chạch khoang (cá heo mắt gai), nhưng loài cá chạch sụn không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy cá chạch sụn không cho phép nuôi nhưng ở Đồng Tháp nhiều nông dân đang phát triển nuôi loài cá này và nuôi rải rác ở các huyện Lấp Vò, Tháp Mười, Lai Vung, thị xã Hồng Ngự…

Nhiều hộ nuôi cá này cho biết, tuy được khuyến cáo nhưng họ vẫn nuôi bởi qua thực thế chưa thấy lây lan mầm bệnh, đặc biệt là loài cá này rất dễ nuôi, dễ chế biến thức ăn như nướng, luộc, chiên xù, nấu canh chua... nên giá bán cao, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Ông Bùi Văn Hải ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, cho biết ông nuôi 60.000 con trên diện tích hơn 2.000m2, mỗi con giống bằng đầu đũa có giá 550 đồng/con, sau bốn tháng thả nuôi đã cho thu hoạch, bình quân 20 con/kg. Với trọng lượng này, cá bán tại ao 100.000 đồng/kg, nếu đưa ra chợ có giá bán từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, chi phí nuôi toàn bộ cho 1 kg cá này chỉ chiếm từ 30 đến 50%, còn lại là ông thu lãi.

Theo ông Hải và nhiều hộ nuôi khác, cá chạch sụn rất dễ nuôi, có khả năng cạnh tranh về môi trường sống, về thức ăn với những loài có cùng đặc điểm sinh trưởng và sinh sản. Hơn nữa cá nuôi ít bệnh, ít hao hụt so với các loại cá khác, sử dụng thức ăn công nghiệp nên chi phí nuôi thấp hơn so với loại cá khác.

Cũng do cá dễ nuôi nên hiện nay toàn tỉnh Đồng Tháp có vài chục hécta nuôi loài cá này. Tuy nhiên, trước việc nuôi tự phát, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân cẩn trọng khi nuôi loài cá này để tránh tình trạng nuôi ồ ạt, không có đầu ra. Đặc biệt, nuôi cá chạch sụn có thể ảnh hưởng đến môi trường sống và lây lan mầm bệnh cho loài cá bản địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục