Đối thoại chính sách về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững

Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam về an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu khu vực.
Đối thoại chính sách về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ảnh 1Quang cảnh đối thoại. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 25/8, tại thành phố Cần Thơ, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu đã diễn ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu tại diễn đàn.

Trước yêu cầu cấp thiết về chiến lược tăng cường an ninh lương thực trong khu vực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết APEC là khu vực có sản lượng nông sản lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, đồng thời bao phủ phạm vi rộng lớn với dân số chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, APEC cũng đang phải đối mặt với các thách thức về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cạnh tranh gay gắt trong sản xuất và thương mại nông nghiệp.

Thời gian qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã có những bước chuyển lớn về nông nghiệp và an ninh lương thực xuất phát từ những thay đổi về thu nhập hộ gia đình, thị hiếu tiêu dùng, sự chuyển đổi trong hệ thống phân phối thực phẩm cũng như do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Những yếu tố trên đặt ra yêu cầu APEC phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các nền kinh tế thành viên trong tương lai quan tâm hơn đến công tác hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững và đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng lương thực và an ninh dinh dưỡng.

Đặc biệt, APEC với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm bền vững. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tập trung tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện nền nông nghiệp khu vực.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông lâm, thủy sản nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp; tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm.

Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường tiêu thụ lương thực toàn cầu bình đẳng dựa trên các quy tắc, thỏa thuận thương mại đa phương, coi các hoạt động thương mại như một thành tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển nông thôn-đô thị, kết nối vùng sâu, vùng xa; phát huy vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công-tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nhất là ở các vùng kém phát triển; đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên; gắn kết các chương trình kết nối khu vực như kết nối ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mekong.

Trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, cần triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, hợp tác xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát triển nông thôn bền vững và bảo đảm quyền lợi của cộng đồng ngư dân ven biển.

[APEC họp bàn sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên]

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Biến đổi khí hậu tác động đến các vùng nông thôn nghèo, cũng như tới các hoạt động kinh tế nòng cốt trong nông nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực khác, vốn là động lực quan trọng giúp đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển. Tình hình sẽ càng nghiêm trọng nếu các nền kinh tế thế giới không tìm ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và toàn diện.

Ông Alan Bollard, Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam về an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu khu vực.

Ông Alan Bollard hy vọng thông qua diễn đàn các nền kinh tế thành viên sẽ cùng phối hợp hiệu quả, góp phần vào nỗ lực toàn cầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 và “Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu” cũng như các biện pháp về an ninh lương thực đã được Bộ trưởng các nền kinh tế APEC thông qua.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ thay mặt chính quyền thành phố cam kết, thành phố Cần Thơ sẽ tích cực phối hợp cùng các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; qua đó, từng bước khắc phục những khó khăn trong điều kiện hiện tại và cung cấp sản lượng lớn hàng hóa nông sản để giải quyết vấn đề an ninh lương thực không chỉ riêng tại Việt Nam mà cho toàn khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục