Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Dự thảo luật "hoành tráng" nhưng chưa khả thi

Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thời điểm này vẫn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phần lớn cho rằng Luật vẫn chưa đi sát thực tế và thiếu tính khả thi.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Dự thảo luật "hoành tráng" nhưng chưa khả thi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, song trước áp lực lực hội nhập cùng với xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, khối doanh nghiệp này luôn là đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất.

Do đó, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời nhằm tạo ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước, các kế hoạch, chương trình, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dự thảo Luật tại thời điểm này vẫn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phần lớn cho rằng Luật vẫn chưa đi sát thực tế và thiếu tính khả thi.

Tiêu chí thiếu

Đại diện của một số hiệp hội cho rằng, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự thảo cần phải xác định lại.

Cụ thể, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực may mặc có những doanh nghiệp vốn chỉ 5 tỷ đồng song có tới 1.000 lao động, nhiều doanh nghiệp vốn chưa tới 10 tỷ đồng nhưng lao động lại lên tới 2.000 – 4.000 người.

Trong khi dự thảo luật lại quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa lao động không quá 300 người, nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, doanh thu không quá 300 tỷ đồng.

“Hơn thế nữa, Luật không nêu rõ nguồn ở đây là vốn điều lệ hay vốn tài sản. Thêm vào đó, quy định của Luật cũng cần phải liên đới với Luật doanh nghiệp hiện hành,” ông Giang nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, với tiêu chí ở trên thì các doanh nghiệp có trên 700 lao động nếu nhận được hỗ trợ, lập tức tại các thị trường nước ngoài họ sẽ bị áp thuế bán phá giá. Vì vậy, ông này cho rằng cần phải nới quy định về lao động lên 1.000 – 2.000 người, để phù hợp với các điều kiện thực tế

“Các doanh nghiệp may mắc có vốn vài tỷ song lao động hàng nghìn người là bởi điều kiện máy móc của họ còn thô sơ, nên vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa,” ông Việt Nam đề xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hỗ trợ… quá lớn

Dự thảo Luật quy định những điều kiện hỗ trợ rất rộng từ tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng tín dụng, công nghệ, thị trường, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận đất đai…, tuy nhiên rất nhiều ý kiến cho rằng các nội dung hỗ trợ tại Luật còn rất chung chung và khá xa vời.

Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật thì "hoành tráng" song lại thiếu tính khả thi. Thêm vào đó những quy định hỗ trợ quá nhiều, chồng chéo lên các luật hiện hành (như Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật đất đai…) và do đó nếu Luật được thông qua sẽ khó đi vào đời sống.

Cụ thể đi vào vấn đề trong Luật, ông Việt Anh cho rằng trong điều 9 “doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn các mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật” là chưa hợp lý, đã là quy định của pháp luật thì phải thực thi là lẽ đương nhiên.

Thay vào đó, ông này đề xuất nên loại bỏ hoặc thay đổi một số sắc thuế không phù hợp, “như thuế khoán đã được thực hiện rất lâu song bây giờ là không còn phù hợp. Thuế khoán tạo ra sự yên ổn cho các doanh nghiệp nhỏ đồng thời khiến các hộ kinh doanh cá thể không chịu chuyển đổi lên mô doanh nghiệp. Điều này là bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp khai thác doanh thu trong cùng ngành nghề.

Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp đang phát triển nên nhiều ý kiến cho rằng chính sách cần quy định mới bổ sung cho phép khấu hao nhanh trong lĩnh vực thuế, để các doanh nghiệp này có điều kiện cập nhật và đổi mới công nghệ tiên tiến.

Hầu hết các đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề vẫn còn nhiều điều băn khoăn về những quy định về hỗ trợ trong dự thảo Luật tại thời điểm này.  

Theo họ, hộ trợ về thông tin là rất tốt song đầu mối thông tin lại không biết ở đâu. Mỗi khi xúc tiến thương mại, đầu từ ra nước ngoài, doanh nghiệp vẫn phải tự “bơi” ra thị trường.

Về hỗ trợ nguồn lực, dự thảo Luật cũng “quên” đề cập đến việc cung ứng nguồn nhân lực. Trong thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn thuê lao động nước ngoài trong một số ngành nghề có sự thay đổi công nghệ rất nhanh, nhưng thủ tục hành chính là rất phức tạp…

Ngoài ra, nội dung điều 29 trong dự thảo Luật cũng được đại diện các các hiệp hội quan tâm nhất. Điều này quy định trách nhiệm hầu hết về “một mối” cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (như tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên…).

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước chỉ tham gia hoạt động ở các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương hay của ngành nghề và họ không phải là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội ​Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chỉ ra, dự thảo quy định những hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vậy những đơn vị không phải là hội viên của Hiệp hội này thì quyền lợi họ sẽ thế nào? Do đó, ông này đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại nội dung điều 29 trong dụ thảo Luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục