Tại một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn… người lao động vô tình trở thành “con nợ” bảo hiểm xã hội. Thậm chí, sau khi rời khỏi những doanh nghiệp này, có người lao động đã chuyển 3, 4 công ty mà vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp cũ còn nợ bảo hiểm xã hội.
Người lao động vô tình thành "con nợ"
Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nợ các loại bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hai tháng đầu năm đã lên tới hơn 14.800 tỷ đồng. Trong số tiền nợ này, số nợ bảo hiểm xã hội có thời gian từ 3 tháng trở lên thường xuyên chiếm tới 60-70%.
Số nợ các loại bảo hiểm xã hội tính đến hết tháng Hai (Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Tại những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn tới giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn… người lao động chỉ mong muốn được nhanh chóng chốt sổ bảo hiểm xã hội để chuyển sang doanh nghiệp mới, thế nhưng hầu hết vẫn chưa được giải quyết.
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Trong số tiền nợ bảo hiểm xã hội, có khoảng 1.400 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn... Người lao động của những doanh nghiệp này dù đã chuyển nơi làm 3, 4 lần nhưng vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc ở những doanh nghiệp nợ bảo hiểm.”
Theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực đầu năm 2016, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ mới xử lý giải quyết được một phần của doanh nghiệp đang làm thủ tục hồ sơ giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán bảo hiểm xã hội.
“Với những doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản, cơ quan bảo hiểm xã hội được phép chốt sổ đến thời điểm mà doanh nghiệp nợ để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Doanh nghiệp đóng được đến đâu thì để cho người lao động được chốt sổ đến đó, sang đơn vị mới đóng tiếp. Khi doanh nghiệp cũ nợ bảo hiểm xã hội đóng được phần nợ còn lại cho người lao động thì chúng tôi ghi bổ sung vào sổ. Còn đối với các đối tượng doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… thì hiện nay vẫn rất khó xử lý,” ông Mai Đức Thắng cho biết.
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, chủ bỏ trốn… thường nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Khi doanh nghiệp xảy ra rủi ro, người lao động vô tình mắc kẹt, thậm chí phải chấp nhận bỏ lại nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội để đi làm việc ở doanh nghiệp mới.
Trước thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.
[Ba phương án giải quyết nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản]
Chưa khởi kiện được doanh nghiệp nợ
Trong khi việc nợ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm để giảm thiểu tình trạng này lại đang gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất giữa các quy định pháp luật.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp hơn 1.100 vụ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội rất rõ ràng và có cả số liệu nợ, thời gian nợ cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để khởi kiện.
“Tổ chức công đoàn đã khởi kiện được hơn 140 doanh nghiệp, quá trình làm thủ tục khởi kiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp chủ động trả nợ với tổng số tiền khắc phục khoảng 21 tỷ đồng,” ông Lê Đình Quảng nói.
Theo ông Lê Đình Quảng thì việc khởi kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do trình tự thủ tục phải theo quy trình tranh chấp lao động. Trình tự thủ tục rất phức tạp, phải qua các bước hòa giải, hoặc phải trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu không giải quyết được mới tiến hành thủ tục khởi kiện.
“Đặc biệt, việc khởi kiện ở đây phải là công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên nhưng thực tế, công đoàn cơ sở phải khởi kiện ngay người sử dụng lao động của mình thì họ rất ngại. Do đó họ không dám khởi kiện và cũng không dám ủy quyền khởi kiện,” ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Trong số 74 đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn, đã có 12 đơn bị trả về với lý do không có thủ tục ủy quyền. Đến nay, những vụ kiện nợ bảo hiểm xã hội được xét xử chủ yếu là khởi kiện theo cá nhân chứ tòa án chưa xét xử các vụ kiện của tổ chức công đoàn đại diện cho tập thể người lao động.
Ông Lê Đình Quảng đề xuất cần phải tổ chức cuộc họp liên ngành giữa bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để sửa đổi, thống nhất những quy định về tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội để thực hiện thống nhất./.