Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã lên tiếng bảo vệ việc thay đổi cơ chế tỷ giá hối đoái của nước này - một động thái được cho là đã khiến đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD.
Bộ trên cho rằng việc đồng nhân dân tệ mất đi 4,6% giá trị trong 3 ngày sau khi được điều chỉnh hôm 11/8 là "sự điều chỉnh thông thường" và sẽ chỉ gây tác động nhỏ đến ngoại thương.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/8, MOC nêu rõ kể từ cuối năm 2014 đã xuất hiện sự chênh lệch khá lớn giữa tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ với tỷ giá trên thị trường.
Việc điều chỉnh cơ chế tỷ giá đồng nhân dân tệ mới đã giúp thu hẹp sự chênh lệch này cũng như cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá đồng nhân dân tệ.
Bộ trên cũng nhận định tác động của việc điều chỉnh tỷ giá "một lần" đối với lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không lớn do khoảng một nửa lượng xuất khẩu của Trung Quốc thuộc diện thương mại chế biến, theo đó, các vật liệu thô của sản phẩm được nhập khẩu vào Trung Quốc và sau khi được lắp ráp, các sản phẩm hoàn thiện sẽ được tái xuất.
MOC cũng nhấn mạnh không có cơ sở để tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ, và tỷ giá hối đoái sẽ được giữ "cơ bản ổn định theo mức độ có thể thích ứng được."
Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng USD được ấn định dựa trên mức giá trung bình được các nhà sản xuất thị trường đưa ra trước khi mở cửa thị trường trong một ngày giao dịch và có liên quan tới tỷ giá trong phiên giao dịch cuối cùng của ngày hôm trước, cùng với tình hình cung, cầu và sự biến động của các đồng tiền chủ chốt khác.
Trong một động thái khác, kết thúc phiên họp thường kỳ, ngày 29/8, Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) Trung Quốc đã đặt mức trần nợ công, trị giá 16.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 2.500 tỷ USD) cho chính quyền địa phương trong năm 2015.
Mức trần nợ công này được chia làm 2 phần, theo đó, 15.400 tỷ nhân dân tệ là mức dư nợ mà các chính quyền địa phương nắm giữ đến cuối năm ngoái và 600 tỷ nhân dân tệ là mức trần nợ tối đa của các chính quyền địa phương trong năm nay./.