Ngày 6/7, công ty dịch vụ đi chung xe đạp hàng đầu của Trung Quốc Ofo thông báo đã huy động được số vốn hơn 700 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành kinh doanh đang phát triển nhanh chóng này.
Theo thông báo, các nhà đầu tư chủ chốt của dự án trên gồm Alibaba, Hony Capital, Didi Chuxing, công ty quản lý đầu tư DST.
Hiện có 6,5 triệu xe đạp tham gia mạng lưới chia sẻ của Ofo tại 150 thành phố trên khắp năm quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ trung bình khoảng 25 triệu lượt đi mỗi ngày.
Ofo đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 sẽ mở rộng mạng lưới lên 20 triệu xe ở 200 thành phố khắp 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Anh, Singapore và Mỹ cũng nằm trong số những thị trường mà công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đang nhắm tới.
Được thành lập vào năm 2015, Ofo gặt hái được nhiều thành công nhờ mô hình kinh doanh sáng tạo là cung cấp dịch vụ đi chung xe đạp. Người dùng có thể tìm trên đường phố một chiếc xe đạp tham gia mạng lưới, mở khóa xe bằng cách sử dụng một mã thông qua điện thoại di động của họ. Sau khi sử dụng, khách hàng có thể để lại chiếc xe này ở bất cứ đường phố nào.
Thị trường đi chung xe đạp trở thành một cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Trung Quốc. Trong khoảng hai năm, hơn 20 triệu xe đạp đi chung do 40 công ty quản lý xuất hiện trên các con phố khắp nước này.
Nhằm siết chặt quản lý dịch vụ đi chung xe đạp, chính quyền Thượng Hải và Thiên Tân ngày 5/7 công bố các quy định liên quan đến việc sản xuất, vận hành và bảo trì phương tiện hai bánh này. Theo đó, tất cả các xe đạp đi chung chỉ được sử dụng trong ba năm và cứ 200 xe phải có ít nhất một nhân viên phụ trách bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ phải giải quyết khiếu nại của khách hàng cũng như bồi thường cho người sử dụng. Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10 tới.
Động thái trên được đưa ra sau khi nhiều người dùng phàn nàn về các vấn đề liên quan việc trả lại khách hàng khoản tiền đặt cọc, quá nhiều xe đạp hoạt động cũng như tình trạng đỗ xe bừa bãi trên phố./.